Doanh thu giảm, bồi thường tăng
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022, trong đó nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới có tỷ lệ bồi thường gốc cao nhất.
Cụ thể, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 9.084 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường đạt 31,6% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường), cao hơn con số 27,8% của cùng kỳ năm trước. Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao là bảo hiểm xe cơ giới (51,9%), bảo hiểm sức khỏe (34,1%), bảo hiểm hàng hóa (35.1%),
Cũng theo IAV, trong 5 tháng qua, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 7.410 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25,8% trong tổng doanh thu toàn thị trường và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước; bồi thường đạt 3.849 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường 51,9%. Doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đạt 1.831 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,4% và giảm 6% so với cùng kỳ; bồi thường đạt 372 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường 20,3%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 5.578 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,4% và giảm 5,2% so với cùng kỳ; bồi thường đạt 3.476 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường 62,3%.
Lượng xe hơi bán mới trong quý đầu năm giảm mạnh khiến tình hình khai thác doanh thu phí từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới gặp khó khăn. Ngoài ra, việc tỷ lệ bồi thường của năm 2022 tăng lên khá nhanh buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải để phí bảo hiểm xe cơ giới ở mức cao cũng là nguyên nhân khiến doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới giảm trong quý đầu năm 2023. Các doanh nghiệp bảo hiểm phải cân đối khách hàng để đảm bảo cân đối thu chi bồi thường, thậm chí một số doanh nghiệp còn chấp nhận tăng phí bảo hiểm, “lựa chọn” khách hàng tốt để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, thay vì tập trung chạy theo doanh thu như trước đây.
Trên thực tế, khi đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, hầu hết công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều chọn nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới bởi là nghiệp vụ đơn giản, dễ triển khai… Chính vì thế, nhiều năm qua, đây luôn là phân khúc cạnh tranh sôi động nhất.
“Tuy nhiên, với mức bồi thường cao trên 50% thì nhà bảo hiểm gần như không có lãi, thậm chí thua lỗ, bởi tiền phí bảo hiểm thu được là 1 đồng, nhưng có thời điểm phải bỏ ra đến 2-3 đồng bồi thường”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.
Với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, làm sao để vừa giữ tỷ lệ doanh thu cao, vừa giảm được tỷ lệ bồi thường luôn là bài toán khó với bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nào. Một doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu bảo hiểm cơ giới cao nếu muốn có lãi, hoặc tối thiểu là không lỗ nghiệp vụ bảo hiểm thì phải tái cơ cấu danh mục nghiệp vụ bảo hiểm, trong đó quản lý chặt chẽ bán bảo hiểm xe cơ giới là yếu tố tác động nhiều nhất. Tất nhiên, khi siết chặt hoạt động này, việc doanh thu phí bảo hiểm và tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp giảm sút là điều khó tránh.
Lãnh đạo một doanh nghiệp phi nhân thọ có tỷ trọng bảo hiểm cơ giới chiếm thị phần doanh thu lớn chia sẻ, công ty đang duy trì mục tiêu tăng trưởng doanh thu cao để giữ thị phần nên vẫn phải đẩy mạnh bán bảo hiểm xe cơ giới, dù biết lợi nhuận công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ bồi thường cao của nghiệp vụ này.
Giảm tỷ lệ bồi thường, giải pháp nào?
Để giảm tỷ lệ bồi thường, IAV khuyến nghị các doanh nghiệp bảo hiểm nên tập trung cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, thay vì phí bảo hiểm như hiện nay.
Trong một báo cáo về tình hình thị trường những tháng đầu năm 2023, đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, IAV khuyến nghị các doanh nghiệp bảo hiểm kiểm soát các kênh phân phối của mình trên các phương tiện truyền thông khi các đối tác chào bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với mức phí thấp hơn quy định.
Theo IAV, hiện nay, giá xe hơi đang trong xu hướng giảm, tiền công sửa chữa tăng lên, các công ty bảo hiểm liên tục cạnh tranh về phí khiến mức phí bảo hiểm liên tục giảm thấp, thậm chí bằng mức phí thuần, dẫn đến giảm doanh thu.
Trong khi đó, số liệu thống kê sơ bộ của IAV cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm tự nguyện xe cơ giới ở mức hơn 60% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường). Để giảm tỷ lệ bồi thường, IAV khuyến nghị các doanh nghiệp bảo hiểm nên tập trung cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, thay vì phí bảo hiểm như hiện nay.
Ngoài ra, trong kế hoạch công tác thời gian tới, IAV sẽ phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục triển khai thực hiện hệ thống phần mềm quản lý khách hàng tập trung (CIC) để các doanh nghiệp cập nhật dữ liệu bồi thường bảo hiểm xe cơ giới của khách hàng có lịch sử tổn thất cao lên hệ thống, từ đó có thể tra cứu lịch sử tổn thất ngay cả khi khách hàng tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp khác trước đó.
Tại cuộc họp Ban nghiệp vụ bán chuyên trách pháp chế định kỳ, các doanh nghiệp bảo hiểm phản ánh, nhiều vụ việc có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm xe cơ giới, đồng thời tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ này tiếp tục tăng lên.
Năm 2022, IAV đề xuất khởi động lại việc triển khai hệ thống CIC. Theo đó, IAV đã trình Ban chấp hành Hiệp hội và nêu rõ, hệ thống này chỉ có thể thực hiện hiệu quả khi tối thiểu 70% dữ liệu về bảo hiểm vật chất xe cơ giới có tổn thất lớn của thị trường được cập nhật.
Được biết, đến hết tháng 12/2022, có 12 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đồng ý tham gia dự án CIC. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật từ hệ thống này, tính đến cuối tháng 6/2023, mới có 3 doanh nghiệp thực hiện việc cập nhật số liệu.
“Dữ liệu không đủ lớn để hệ thống có thể thực hiện hiệu quả, do đó việc nâng cấp hệ thống là chưa khả thi”, đại diện IAV nhấn mạnh.