Thông tin trên được Viện Nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực (AARI) của Nga công bố, Đài Russia Today đưa tin ngày 31-7.
Trạm Vostok là một trạm nghiên cứu của Nga hoạt động quanh năm ở Cực giá lạnh (Pole of Cold), nơi lạnh nhất trên Trái đất với nhiệt độ thấp kỷ lục từng được ghi nhận là -89,2 độ C.
Ông Andrey Teplyakov, nhà địa vật lý hàng đầu của AARI và là người đứng đầu dự án tại trạm Vostok, cho biết: "Kết quả thí nghiệm thật ấn tượng. Chúng tôi đã trồng được dưa hấu ở cực nam trong điều kiện khắc nghiệt nhất của Nam Cực. Mùi vị không thua gì những trái dưa hấu chúng ta có ở nhà! Dưa hấu tại đây có đường kính lên tới 13cm và trọng lượng 1kg".
Thí nghiệm trồng dưa hấu này là dự án hợp tác giữa AARI với Viện Vật lý nông nghiệp và Viện Các vấn đề y sinh thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga.
AARI giải thích rằng các điều kiện thuận lợi cho dưa hấu (chẳng hạn như nhiệt độ và độ ẩm không khí) đã được các nhà khoa học tạo ra với sự trợ giúp của "tổ hợp kỹ thuật thực vật" - tổ hợp được Viện Vật lý nông nghiệp thiết kế đặc biệt cho trạm Vostok.
"Khi trồng cây, người ta sử dụng chất thay thế đất, dung dịch dinh dưỡng và ánh sáng được lựa chọn đặc biệt. Hai giống dưa hấu chín sớm - có khả năng thích nghi với điều kiện áp suất khí quyển thấp và thiếu oxy - được trồng từ đầu tháng 4.
Những bông hoa được thụ phấn bằng tay vào cuối tháng 5. Đến tháng 7, các nhà thám hiểm vùng cực đã có thể nếm thử những quả dưa hấu đầu tiên. Toàn bộ quá trình mất 103 ngày" - AARI thuật lại.
Giám đốc AARI Aleksandr Makarov lưu ý ngoài lợi ích khoa học và lợi ích thiết thực của việc có rau quả tươi, dự án chung còn có "nhiều lợi ích quan trọng khác".
"Nhà kính tại trạm có tác động tích cực đến trạng thái cảm xúc của các nhà thám hiểm vùng cực" - ông Aleksandr Makarov nói.
Ông Makarov thông tin thêm: "Việc giới thiệu phương pháp trồng cây tại tất cả các trạm địa cực của Nga đã được thảo luận từ lâu, nhưng điều này đòi hỏi sự tính toán chính xác về hiệu quả và chi phí của dự án".
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Úc cho thấy nồng độ oxy ở độ sâu của đại dương Nam Cực đang giảm với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự đoán.