Theo báo New York Times, tuy thống trị công nghệ vệ tinh Starlink bao trùm lên nhiều hoạt động của thế giới, nhưng tỉ phú Elon Musk lại rất ít bị các quy định ràng buộc và giám sát.
Điều đó cộng với phong cách thất thường và cá tính của ông ngày càng khiến giới quân sự và các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới lo lắng.
Vệ tinh Starlink "ôm" cả bầu trời
Kể từ năm 2019, gần như mỗi tuần Musk đều đưa hàng chục vệ tinh Starlink vào quỹ đạo. Các vệ tinh liên lạc với các thiết bị đầu cuối trên Trái đất, vì vậy chúng có thể truyền Internet tốc độ cao đến hầu hết mọi nơi trên hành tinh.
Ngày nay, hơn 4.500 vệ tinh Starlink đang ở trên bầu trời, chiếm hơn 50% tổng số vệ tinh của thế giới đang hoạt động. Kế hoạch của Musk trong những năm tới là có tới 42.000 vệ tinh trên quỹ đạo.
Giá trị của SpaceX hiện đã được đẩy lên gần 140 tỉ USD. Và lúc này đây, thế giới bắt đầu cảm nhận được sức mạnh công nghệ của SpaceX.
Hiện tại, ở các vùng chiến sự, vùng sâu vùng xa và những nơi bị thiên tai, Starlink gần như là cách duy nhất để truy cập Internet.
Bộ Quốc phòng Mỹ là một khách hàng lớn của Starlink, trong khi các quân đội khác, chẳng hạn Nhật Bản, đang thử nghiệm công nghệ này.
Các thiết bị đầu cuối Starlink hiện có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, phần lớn châu Âu và một phần châu Mỹ Latin.
Ở châu Phi, nơi truy cập Internet chậm hơn so với phần còn lại của thế giới, Starlink đã có mặt ở Nigeria, Mozambique và Rwanda. Dịch vụ này dự kiến ra mắt tại hơn chục quốc gia khác vào cuối năm 2024.
Lo sợ nhưng không dám nói
Việc Elon Musk gần như kiểm soát hoàn toàn vệ tinh Internet đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại nhiều quốc gia. Một mình ông có thể quyết định ngừng truy cập Internet Starlink của một khách hàng hoặc quốc gia. Mặt khác, ông cũng có khả năng tận dụng thông tin nhạy cảm mà Starlink thu thập được.
Ở Ukraine, Musk đã hạn chế quyền truy cập Starlink nhiều lần trong cuộc chiến. Ông Mykhailo Fedorov, bộ trưởng kỹ thuật số của Ukraine, thừa nhận: “Starlink thực sự là 'máu' của toàn bộ cơ sở hạ tầng truyền thông của chúng tôi".
Ít nhất 9 quốc gia - bao gồm cả ở châu Âu và Trung Đông - cũng đã nhắc vấn đề Starlink với các quan chức Mỹ trong 18 tháng qua, với một số câu hỏi về quyền lực của tỉ phú Musk đối với công nghệ.
Các chính phủ khác cũng đang cảnh giác. Lãnh thổ Đài Loan, nơi cơ sở hạ tầng Internet dễ bị tổn thương trong trường hợp có chiến tranh, không muốn sử dụng Starlink vì mối liên hệ kinh doanh của Musk với Trung Quốc.
Năm 2022, Musk cho biết Bắc Kinh đã tìm kiếm sự đảm bảo rằng ông sẽ không kích hoạt Starlink, nơi Internet bị nhà nước kiểm soát. Vào năm 2020, Trung Quốc đã đăng ký với một cơ quan quốc tế để phóng 13.000 vệ tinh Internet của riêng mình.
Liên minh châu Âu cũng cảnh giác với Starlink và Musk, và họ đã dành 2,4 tỉ euro (2,6 tỉ USD) vào năm 2022 để xây dựng một chùm vệ tinh cho mục đích dân sự và quân sự.
Khi các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở Iran vào năm 2022, Musk đã cung cấp Starlink để giúp các nhà hoạt động duy trì kết nối mạng. Chính phủ Iran cáo buộc SpaceX vi phạm chủ quyền của họ...
Mỹ cũng ngại Musk
Các quan chức tình báo và an ninh mạng Mỹ cho biết rất ít quốc gia dám nói công khai về mối quan tâm của họ, vì họ sợ bị Musk xa lánh.
Ngay cả các quan chức Mỹ cũng ít khi công khai nói về Starlink do nhu cầu sử dụng Starlink trong nước và các vấn đề chính trị liên quan đến Musk - người đã chỉ trích Tổng thống Joe Biden.
Theo các nhà phân tích, sự thống trị của Musk trong không gian khó có thể cân bằng trong tương lai gần. Vào tháng 5, Amazon đã chuẩn bị đưa hai vệ tinh đầu tiên của mình lên quỹ đạo, nhưng quá trình phóng bị hoãn lại sau một số trục trặc. Kể từ đó, Musk đã đưa thêm ít nhất 595 vệ tinh Starlink vào không gian.
Lầu Năm Góc sẽ mua các dịch vụ và thiết bị đầu cuối cung cấp Internet từ vệ tinh Starlink của Công ty SpaceX để quân đội Ukraine sử dụng.