Sự tăng trưởng khách quốc tế trong nửa đầu năm 2023 đã mang lại cho các hãng hàng không nguồn thu lớn.
Quý 2-2023, Vietjet Air (VJC) vận chuyển khách quốc tế đạt 2.960 tỉ đồng - gấp 3 lần cùng kỳ, góp phần nâng tổng doanh thu Vietjet Air lên 16.872 tỉ đồng, tăng 45%.
Trong quý này, tổng doanh thu của Vietnam Airlines (HVN) cũng tăng 12%, đạt 20.700 tỉ đồng. Công ty cho biết doanh thu quốc tế tăng mạnh nhờ thị trường châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt.
Doanh thu phục hồi, khoản lỗ quý 2-2023 của Vietnam Airlines giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, còn âm 1.294 tỉ đồng.
Trong khi "đối thủ" Vietjet Air báo lãi 214 tỉ đồng, tăng 18%.
Vietjet Air thu nhiều tiền phụ trợ, chuyển quyền sở hữu và thương mại máy bay
Trong quý 2, mảng vận chuyển hàng khách nội địa hãng bay này giảm gần 39%, còn 2.807 tỉ đồng. Trong khi một số doanh thu khác lại tăng rất mạnh.
Như doanh thu hoạt động phụ trợ (hành lý, bán suất ăn, gấu bông, quảng cáo, dịch vụ ưu tiên...) đạt 4.623 tỉ đồng, tăng 60%.
Doanh thu cho thuê chuyến bay, chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay, động cơ đạt 1.734 tỉ đồng và 4.307 tỉ đồng, tăng lần lượt gấp 41 và 1,7 lần so với cùng kỳ.
Tính riêng mảng phụ trợ đã đem về cho Vietjet Air gần 9.000 tỉ đồng nửa đầu năm nay, chiếm 40% tổng doanh thu.
Trong khi đó, chiếm chủ yếu trong cơ cấu doanh thu của Vietnam Airlines vẫn đến từ vận tải hàng không với 16.173 tỉ đồng trong quý 2 và 34.986 tỉ đồng trong cả 6 tháng, tăng lần lượt 22% và 62%.
Doanh thu bán hàng và hoạt động phụ trợ vận tải của hãng hàng không quốc gia trong quý 2 còn sụt so với cùng kỳ, đạt 3.271 tỉ đồng và 829 tỉ đồng, giảm lần lượt 20% và 2%.
Số lao động tại hai "ông lớn" tăng giảm ra sao
Sau hơn chục quý âm liên tiếp, đến cuối tháng 6 này, Vietnam Airlines đã lỗ lũy kế hơn 35.600 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11.590 tỉ đồng.
Nợ phải trả của hãng bay này 70.756 tỉ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 15.950 tỉ đồng, tăng 19% so với đầu năm.
Đến thời điểm này, hãng vẫn "khất" báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Hậu kiểm toán, hãng bay vẫn lỗ và đủ 3 năm liên tiếp lợi nhuận âm sẽ đối mặt "án" hủy niêm yết.
Còn nợ phải trả của Vietjet Air tính đến cuối tháng 6-2023 đạt 56.144 tỉ đồng, tăng gần 6% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn là 7.121 tỉ đồng.
Kinh doanh thua lỗ sau mấy năm dịch, nhân sự tại Vietnam Airlines (bao gồm cả công ty mẹ và công ty con) cũng giảm đáng kể.
Ngoài hai "ông lớn" trên, thị trường hàng không Việt còn có Bamboo Airways, Vietravel Airlines... Trước đó, Bamboo Airways báo lỗ ròng hơn 17.600 tỉ đồng trong năm 2022.
Vietravel Airlines chưa là công ty đại chúng nên kết quả kinh doanh mới hé lộ một phần qua thông tin từ Vietravel. Trong 3 tháng đầu năm 2023, hãng bay này đã thực hiện gần 1.600 chuyến bay, tỉ lệ lấp đầy đạt trên 91,2%.
Quý 2 năm 2023 là quý thứ hai liên tiếp Vietnam Airlines có lãi gộp nhưng chi phí đầu vào biến động khiến hãng vẫn lỗ sau thuế 1.331 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên mức lỗ chỉ còn 1/4 so với 6 tháng đầu năm 2022.