Dù thị trường phân hoá mạnh nhưng cổ phiếu vốn hoá lớn vẫn đang tăng trưởng, tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 32.513 tỷ đồng, tăng cao nhất kể từ đầu năm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/8, VN-Index giảm 5,34 điểm, tương đương 0,44% về 1.217,56 điểm. Toàn sàn có 156 mã tăng, 310 mã giảm và 58 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,2 điểm, tương đương 0,08% về 239,35 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 125 mã giảm và 48 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,86 điểm lên 90,21 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 22 mã giảm giá.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 32.513 tỷ đồng, tăng 18% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 24.404 tỷ đồng, tăng 1,2% so với phiên trước. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 10.258 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán Rồng Việt: Tạm thời vẫn chưa có hiện tượng bán tháo mạnh diễn ra nhưng đà giảm điểm chưa có dấu hiệu ngừng lại khi kết phiên, khả năng điều chỉnh của thị trường vẫn có thể tiếp diễn vào đầu phiên tới và kiểm tra lại vùng gap tăng 1.207 – 1.213 điểm. Dự kiến vùng này sẽ có tác động hỗ trợ và giúp thị trường hồi phục trở lại.
Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát tín hiệu dòng tiền tại vùng hỗ trợ. Hiện tại vẫn có thể nắm giữ cổ phiếu đang có tín hiệu tốt. Tuy nhiên cần cân nhắc khả năng hồi phục để chốt lời hoặc giảm tỉ trọng tại các cổ phiếu đang ở vùng kháng cự hoặc đang có tín hiệu phân phối để giảm thiểu rủi ro cho danh mục.
Chứng khoán Phú Hưng: Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm điểm trở lại. Khối lượng giao dịch gia tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn một tháng qua và giữ trên bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý áp lực chốt lời đang hiện hữu.
Chỉ số vẫn giữ được đóng cửa trên MA5, cho thấy xu hướng chính đang là phục hồi, phiên giảm điểm có thể nằm trong nhịp điều chỉnh kỹ thuật nhằm củng cố cho xu hướng chính bền vững hơn, với hỗ trợ gần quanh vùng tâm lý 1.200 điểm.
Nhìn chung, thị trường có thể đang điều chỉnh kỹ thuật nhằm củng cố cho xu hướng phục hồi bền vững hơn. Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng nhịp điều chỉnh này để tái cơ cấu lại danh mục hợp lý hơn, với ưu tiên chính là các cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh tích cực, và đang thu hút được dòng tiền mạnh.
Chứng khoán KBSV: Sau nhịp mở gap đầu phiên, VN-Index dần suy yếu và đánh mất toàn bộ thành quả tăng điểm về cuối phiên. Lực bán chủ động áp đảo bên mua, cùng với thanh khoản gia tăng khiến cho thị trường chịu áp lực điều chỉnh mạnh, bất chấp những nỗ lực giữ chỉ số của các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Mặc dù vậy, ngưỡng hỗ trợ 1.215 và sâu hơn ở 1.195 được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng chú ý cho VN-Index. Nhà đầu tư được khuyến nghị giao dịch cân bằng, bán hạ tỉ trọng tại các nhịp vượt đỉnh và chỉ mở mua trở lại khi chỉ số về quanh ngưỡng hỗ trợ.
Tin vắn chứng khoán
- Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đã tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7, so với mức 46.2 điểm của tháng 6. Kết quả lần này cho thấy các điều kiện hoạt động đã suy giảm tháng thứ năm liên tiếp, mặc dù lần suy giảm này chỉ là nhẹ và là nhẹ nhất trong thời kỳ này. Số lượng đơn đặt hàng mới đã chỉ giảm nhẹ trong tháng 7 khi có các dấu hiệu cho thấy nhu cầu ổn định.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất cho biết nhu cầu nhìn chung vẫn yếu, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu. Phản ánh tình trạng nhu cầu đặc biệt yếu kém ở thị trường quốc tế. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm chậm hơn, trong khi niềm tin kinh doanh đã tăng.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh suy giảm dẫn đến hàng tồn kho sản phẩm chưa bán và hàng hóa đầu vào chưa sử dụng đã tăng trong tháng 7. Trong khi đó, giá cả tiếp tục giảm và thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn.
- Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, thu hút đầu tư nước ngoài 7 tháng đầu năm 2023 đã bật tăng trở lại. Cụ thể, tính đến ngày 20/7/2023, tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Chỉ tính riêng trong tháng 7/2023, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 6/2023, tăng 41,9% so với tháng 5/2023 và tăng 85,7% so với cùng kỳ tháng 7/2022.
Đáng chú ý, không chỉ vốn đăng ký, mà vốn giải ngân trong 7 tháng cũng tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2022 (ước đạt 11,58 tỷ USD). Điều này cho thấy, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.