Nhận kết quả siêu âm đứa con trong bụng có trọng lượng nhỏ hơn so với số tuần tuổi thai, nhiều mẹ bầu lo lắng, có người bị căng thẳng, trầm cảm dù đã bổ sung nhiều chất dinh dưỡng.
Chị T.N. mang thai được gần 16 tuần nhưng em bé trong bụng chỉ nặng 82g. Bác sĩ thông báo chị N. rằng trọng lượng thai nhi hiện tại quá nhỏ so với tuổi thai.
"Dù nghén mà vẫn ráng ăn nhưng dinh dưỡng không vào con, giờ cân nặng nhẹ quá so với chuẩn, tôi buồn lắm", chị N. chia sẻ.
Có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ
ThS Lê Võ Minh Hương - phòng công tác xã hội Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - cho biết thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung là tình trạng mà các mẹ bầu hay gọi là thai suy dinh dưỡng, khi cân nặng (kích thước) thai nhi nhỏ hơn mong đợi so với số tuần tuổi thai.
Thai giới hạn tăng trưởng có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Thai nhi không phát triển tốt từ kích thước tổng thể cho đến phát triển các tế bào, mô, cơ quan. Điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề cho em bé.
Để xác định thai giới hạn tăng trưởng, bác sĩ Hương cho hay cân nặng thai nhi trước sinh được ước tính dựa trên các số đo (vòng đầu, vòng bụng, xương đùi) của thai qua siêu âm và được so sánh với tuổi thai theo bách phân vị (từ 0 đến 100).
Thai nhỏ được xác định khi cân nặng thai ở dưới bách phân vị thứ 10 so với tuổi thai. Nhóm thai nhỏ sau đó được theo dõi để xác định liệu đây là thai nhỏ sinh lý hay do bệnh lý.
Một số trường hợp thai nhỏ là sinh lý mà không phải là bất thường. Phần lớn là do yếu tố di truyền, kiểu hình cha mẹ quyết định kiểu hình của con. Và trường hợp này được theo dõi như một thai kỳ bình thường.
Ngoài những trường hợp trên, thai nhỏ do bệnh lý và được gọi là thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung.
Thai nhi nhận không đủ dinh dưỡng
Đây là nguyên nhân chính được bác sĩ Hương nêu ra khiến thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung. Để dinh dưỡng đến và nuôi thai, quá trình này trải qua nhiều công đoạn.
Đầu tiên dinh dưỡng cho thai bắt nguồn từ máu mẹ. Dinh dưỡng và oxy sau khi được hấp thu vào máu mẹ sẽ được vận chuyển đến tử cung và đổ vào các hồ máu tại bánh nhau. Sau đó là quá trình trao đổi dinh dưỡng tại bánh nhau và vận chuyển dinh dưỡng đến thai thông qua dây rốn.
Các động mạch rốn mang máu nghèo oxy (từ thai) đến trao đổi chất tại các hồ máu bánh nhau (lấy chất dinh dưỡng từ máu mẹ), sau đó mang máu giàu oxy và dinh dưỡng qua tĩnh mạch rốn đến thai nhi. Cuối cùng, thai nhi sử dụng dinh dưỡng để phát triển.
"Do đó bất thường ở bất kỳ vị trí nào cũng đều có nguy cơ gây nên thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung. Bao gồm các bất thường về dinh dưỡng trong máu mẹ, bất thường tim mạch máu mẹ, bất thường bánh nhau - dây rốn và bất thường thai", bác sĩ Hương kết luận.
Ngoài các nguyên nhân trên, bác sĩ Hương cho hay một số yếu tố nguy cơ do mẹ cũng làm thai giới hạn tăng trưởng như mẹ thiếu máu, ăn uống kém, suy dinh dưỡng; bệnh phổi mãn tính, suy tim; uống rượu bia, hút thuốc lá; tăng huyết áp, tiền sản giật; đái tháo đường, béo phì; bệnh mạch máu, bệnh tự miễn (lupus…).
Còn với yếu tố nguy cơ do thai gồm: đa thai, nhiễm trùng bào thai, dị tật bẩm sinh (tim bẩm sinh…), bất thường gene hoặc nhiễm sắc thể (HC Down…), dây rốn một động mạch, dây rốn bám màng.
Đặc biệt lưu ý, nguy cơ thai giới hạn tăng trưởng sẽ tăng nếu mẹ bầu thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, uống rượu bia hoặc mắc một số bệnh truyền nhiễm trong thai kỳ.
Do đó tránh tiếp xúc với các tác nhân này và có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp ngăn ngừa thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung. Điều trị dự phòng tăng huyết áp thai kỳ cho những sản phụ nguy cơ cao cũng giúp giảm nguy cơ này.
Nhưng trong nhiều trường hợp, thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung không thể tiên đoán trước và không có biện pháp dự phòng. Do đó, mẹ bầu cần khám thai đều đặn, tầm soát dị tật bẩm sinh cho thai.
Nếu có tình trạng thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, cần theo dõi, khám thai theo hướng dẫn của bác sĩ và xác định thời điểm sinh tốt nhất cho bé.
Vừa qua, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) đã mổ sanh một sản phụ có bé trai sơ sinh nặng 5.770g (gần 5,8kg). Bé được sinh ra khi mẹ bé mang thai được 38,5 tuần tuổi.