Trưa 2-8, ông Đỗ Tấn Sương - chủ tịch UBND TP Gia Nghĩa - cho biết đang tiếp tục rà soát vụ quốc lộ 14 bị nứt để có phương án tiếp tục di tản dân, phân luồng xe đi hướng khác.
Theo ông Sương, sáng nay xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài trên quốc lộ 14 phía gần bờ hồ Đại La đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa. Ngay sau đó tại khu vực trên xảy ra hiện tượng sạt lở, làm hư hỏng nhà cửa và tài sản của người dân địa phương.
Video: Quốc lộ 14 qua Gia Nghĩa có đoạn nứt toác, xe lớn đi hướng khác
Theo quan sát của phóng viên, phạm vi ảnh hưởng khoảng 300m mặt đường, bề rộng vết nứt 10cm, ảnh hưởng đến khoảng 16 hộ dân phía đường Phan Bội Châu, tại tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành.
"Sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo thành phố đã đến kiểm tra thực tế hiện trường. Tôi yêu cầu lực lượng chức năng hỗ trợ di tản khẩn cấp 16 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện địa phương tiếp tục khảo sát những khu vực xung quanh để có phương án di tản dân tiếp theo nếu cần thiết", ông Sương nói.
Cũng theo ông Sương, địa phương đã căng dây cảnh báo, tạm thời phân luồng giao thông tránh tác động xấu hơn từ xe cộ qua lại.
Những xe trọng tải lớn lưu thông tuyến TP.HCM - Đắk Lắk và ngược lại sẽ được phân luồng đi theo hướng đường tránh từ cầu Đắk R'tih (phường Nghĩa Phú) qua xã Đắk R'moan về phường Quảng Thành (TP Gia Nghĩa).
Về nguyên nhân gây hiện tượng nứt quốc lộ 14, ông Sương nói sáng nay đã họp nhanh các thành viên cũng chỉ mới nhận định là do mưa nhiều gây sạt trượt chứ chưa xác định nguyên nhân cụ thể.
"Hiện chỉ mới ở vị trí này gây nứt nẻ, những nơi khác chưa xuất hiện vết nứt nên đang tiếp tục cho rà soát", ông Sương nói.
Sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức (Đắk Nông) xác nhận hiện tượng nứt gãy, sạt lở đất lại tiếp tục mở rộng và kéo dài đến 1,5km, buộc hàng chục hộ dân phải di tản khẩn cấp.
Ông Trần Vĩnh Phú - phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức - cho biết hiện tượng nứt gãy, sạt lở đất tại khu vực Bon Bu Krắc (xã Quảng Trực) tiếp tục lan rộng hơn và xuất hiện một số vết nứt mới. Đến sáng nay, các vết nứt dài khoảng 1,5km (kéo dài đến phía dưới đập Đắk Ké).
Địa phương đã di tản 45 hộ dân/145 khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời tiếp tục vận động thêm 10 hộ dân/44 khẩu ở Bu Prăng (phía dưới đập).
Nguyên nhân vụ nứt gãy, sạt lở đất vẫn đang được các cơ quan chức năng xác định, đánh giá.
Quan trọng nhất hiện nay trong phòng chống sạt lở là phải tôn trọng thiên nhiên. Đây cũng là một trong nhiều bài học để các địa phương rút kinh nghiệm trong ứng phó với sạt lở đất.