Zilingo từng được ngợi ca là ‘con cưng’ của ngành công nghệ Đông Nam Á, thậm chí suýt trở thành ‘kỳ lân’ cách đây 4 năm. Quyết định bán đi toàn bộ tài sản hồi đầu năm nay cho nhà cung cấp phần mềm quản lý thương mại điện tử Thụy Sĩ Buyogo AG và nCinga Innovations khiến giấc mơ chinh phục thị trường thời trang sụp đổ, đồng thời đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến sinh tồn kéo dài nhiều tháng của Zilingo.
Trước khi sụp đổ trong sự ngỡ ngàng, Zilingo từng là một nền tảng toàn cầu với hơn 7 triệu người dùng hoạt động. Tờ CNBC khi đó đã có bài viết kể về câu chuyện CEO Ankiti Bose ‘thai nghén’ đứa con tinh thần.
“Đó là năm 2014, khi tôi đang đi nghỉ với một số bạn bè và đồng nghiệp cũ thân thiết ở Bangkok”, Bose nói. “Chúng tôi tới chợ Chatuchak, khu chợ đêm mang tính biểu tượng ở thủ đô của Thái Lan. Với hơn 15.000 quầy hàng và khoảng 11.500 thương nhân độc lập, đây là chợ đêm cuối tuần lớn nhất thế giới. Tôi đã phải thốt lên: ‘Wow, chúng nên được bán trực tuyến mới đúng!’.
Ý tưởng về một Zilingo chuyên giúp các nhà bán lẻ bán trực tiếp cho người tiêu dùng theo đó ra đời. Ankiti Bose khi ấy là nhà phân tích đầu tư 23 tuổi làm việc tại công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital tại quê hương Ấn Độ. Công ty có trụ sở tại trung tâm công nghệ lớn nhất cả nước nên do đó, tạo điều kiện cho Bose theo sát sự phát triển và trỗi dậy của các tên tuổi thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba hay Flipkart. Cô gái trẻ đã phát hiện ra rằng các nhà buôn nhỏ ở Đông Nam Á chưa có cơ hội tham gia vào “sân chơi” rộng lớn.
“Đây là những thương nhân nhỏ muốn cạnh tranh với thương hiệu lớn, trung tâm thương mại và các công ty Internet. Tôi đã nghĩ cách giúp họ trở nên mạnh mẽ hơn”, CEO Zilingo kể lại.
Đông Nam Á là một trong những trung tâm sản xuất lớn. Nhiều thương hiệu địa phương không đủ quy mô để có thể bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng, vì vậy buộc phải dựa vào bên thứ ba là các nhà phân phối. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận bị ảnh hưởng, từ đó thôi thúc Bose tạo ra một thị trường trực tuyến “gom” các nhà bán lẻ độc lập. Theo CNBC, Zilingo hoạt động giống như hầu hết các nền tảng thương mại điện tử, cho phép các thương nhân đăng ký và tự liệt kê sản phẩm của mình. Zilingo tính phí hoa hồng từ 10-30% cho mỗi lần bán.
“Hàng trăm đại lý phân phối trên khắp châu Á đang bị rò rỉ lợi nhuận và tôi nghĩ rằng chỉ công nghệ mới có thể giải quyết điều đó”, Bose nói.
Cô gái sau đó cùng Dhruv Kapoor, một kỹ sư phần mềm 24 tuổi, góp chung tiền tiết kiệm và bắt đầu biến ý tưởng của mình trở thành hiện thực. Ban đầu, Bose đi khắp Đông Nam Á thuyết phục các nhà bán lẻ rằng Zilingo có thể giúp họ phát triển doanh nghiệp, trong khi Kapoor bắt tay xây dựng các nền tảng công nghệ ở Bangalore. Mục tiêu là làm cho nó dễ sử dụng như Facebook.
Chỉ một năm sau, Zilingo đưa hàng trăm thương nhân khắp Đông Nam Á lên trang bán hàng trực tuyến và thành lập văn phòng tại Singapore và Bangalore. Startup cũng nhận được hàng triệu USD tài trợ từ các nhà đầu tư, trong đó có cả Sequoia Capital. Năm 2018, Zilingo huy động được 54 triệu USD từ các nhà đầu tư. Công ty mạnh tay chi 1 triệu USD để mời 9 KOLs đến Maroc quảng bá thương hiệu, đồng thời ‘cổ súy’ phương châm tăng trưởng điên cuồng ngay cả khi những lợi ích tài chính trước mắt còn mờ mịt.
Cũng trong năm đó, CEO Bose đưa ra ý tưởng cho các nhà cung cấp và người bán vay tiền. Mọi chuyện khá suôn sẻ cho đến khi đại dịch bùng phát và khiến Zilingo phải trả giá.
Trong thế giới đầu tư, mục tiêu lớn của Bose là Masayoshi Son. Bằng mọi giá, Zilingo phải đạt tốc độ phát triển nhanh chóng để thu hút sự chú ý của vị tỷ phú này. Bose đã gặp gỡ Son 2 lần nhưng đều thất bại trong việc thuyết phục ông đầu tư vào Zilingo.
Tháng 10/2019, Zilingo tuyên bố sẽ chi 100 triệu USD để mở rộng sang Mỹ, mở văn phòng tại New York và Los Angeles. Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm sau, công ty đóng cửa các hoạt động tại thị trường này.
Trước tham vọng mở rộng điên cuồng của Bose, Shailendra Singh, người đứng đầu Sequoia Capital đã thuyết phục cô chậm lại. Bất đồng ý kiến đã khiến họ có nhiều cuộc đối thoại khá gay gắt.
Áp lực tài chính sau đó khiến mối quan hệ này ngày càng rạn nứt. Singh dần mất niềm tin vào kỹ năng quản lý của Bose, trong khi Bose tin rằng Singh đã phản bội mình.
Tình trạng hỗn loạn của Zilingo đã cho thấy một văn hóa quản trị nội bộ lỏng lẻo trong giới khởi nghiệp.
Đến tháng 11/2020, Zilingo hầu như không còn đủ tiền mặt để tồn tại trong 1 tháng. Nhóm các nhà đầu tư bao gồm Sequoia, EDBI, Sofina, Temasek và SIG đã buộc phải “giải cứu” công ty bằng cách mua 25 triệu USD trái phiếu chuyển đổi.
Zilingo được định giá gần 1 tỷ USD hồi năm 2019, song không thể trụ lại trong đại dịch. Công ty buộc phải cắt giảm việc làm do doanh thu giảm sút. Giám đốc tài chính Ramesh Bafna, cựu CFO của nền tảng thương mại điện tử thời trang Myntra, ngậm ngùi rời đi, chỉ 2 tháng sau khi gia nhập công ty khởi nghiệp. Giám đốc điều hành Aadi Vaidya cũng có động thái tương tự.
Đến tháng 3/2022, CEO Ankiti Bose bị đình chỉ vì những khiếu nại xoay quanh vấn đề tài chính. Các chủ nợ thi nhau tạo áp lực đòi tiền, trong khi hơn 100 nhân sự dứt áo ra đi. Sự sống còn của một startup từng được ca tụng hết lời khi đó trở thành câu hỏi bỏ ngỏ.
“Là nhà sáng lập, chúng tôi có trách nhiệm làm những gì có thể để giữ lại hi vọng cho Zilingo và ‘ngôi nhà chung’ của hàng trăm người tham gia. Mặc dù có những sự khác biệt, chúng tôi thành lập công ty với mục tiêu chung và cùng nhau nỗ lực vì điều đó,” Bose cho biết trong thông cáo gửi tới Forbes Asia.
Theo Bloomberg, quyết định sa thải Bose là đỉnh điểm của nhiều năm căng thẳng. “Tháng 3/2022, các nhà đầu tư đã nhận được khiếu nại về những bất thường xoay quanh vấn đề tài chính. Với sự ủng hộ của các cổ đông, một công ty tư vấn điều tra độc lập đã được chỉ định để xem xét các khiếu nại trên. Sau quá trình kéo dài gần 2 tháng, bao gồm nhiều cơ hội để Bose cung cấp tài liệu và thông tin, công ty quyết định chấm dứt hợp đồng”, đại diện Zilingo cho biết.
Sunday Guardian cho rằng xung đột nội bộ có thể bắt nguồn từ việc Singh khăng khăng đòi sáp nhập Zilingo với Moglix - một công ty đầu tư khác của Sequoia.
Bose phản đối quyết định này bởi cô đã ký một thỏa thuận với Cartica - một công ty đầu tư nổi tiếng có trụ sở tại Washington, DC. Bose tin chắc sự kết hợp này sẽ cho phép Zilingo tiếp tục xây dựng thương hiệu và duy trì hoạt động kinh doanh cốt lõi mà không phải thỏa hiệp sáp nhập.
Xung đột giữa công ty tài trợ và nhà sáng lập thường xuyên xảy ra, song với Zilingo lại độc hại tới mức phá hủy cả startup. Phía Bose khẳng định Singh sẽ không từ thủ đoạn nào để loại bỏ cũng như bôi nhọ danh tiếng một CEO mà y không có thiện cảm.
Trell và Zetwerk - hai công ty nhận được vốn đầu tư của Sequoia dù kinh doanh không tốt song CEO đều bình an vô sự thay vì bị dồn ép như Bose. Sự tương phản nhấn mạnh tính độc đoán của các vấn đề xoay quanh Zilingo - nơi mọi quyết định hấp tấp và bốc đồng đều phải trả giá bằng một cuộc chiến nội bộ.
Được biết hồi năm ngoái, Dhruv Kapoor và CEO Ankiti Bose từng đề xuất mua lại quyền quản lý nhằm cải tổ và khôi phục hoạt động kinh doanh đang gặp khó khăn.
“Với tiềm năng từ việc kinh doanh và giá trị mà công ty này có thể mang lại, tôi mong muốn mọi người hãy cân nhắc mua lại quyền quản lý (MBO) như giải pháp thay thế cho giải thể tự nguyện”, đồng sáng lập Kapoor cho biết.
Ankiti Bose khi đó hoàn toàn ủng hộ đề xuất này.
“Tôi tán thành kế hoạch MBO với nhóm nhà đầu tư mới và khuyến khích mọi cổ đông của Zilingo gạt bỏ hiềm khích để làm điều đúng đắn”, Bose chia sẻ.
Theo kế hoạch của Dhruv Kapoor, hai nhà sáng lập và nhóm nhà đầu tư sẽ thành lập công ty mới để tiếp quản tài sản của Zilingo, bao gồm nhà máy, mảng kinh doanh sourcing (tìm kiếm và đánh giá hiệu quả nhà cung ứng) và các nền tảng số. Như một phần trong thỏa thuận, Zilingo cũng sẽ nhận khoản đầu tư 8 triệu USD từ nhóm các nhà đầu tư này.
Đáng tiếc, không có phép màu nào xảy đến. Lần huy động thành công 54 triệu USD nhắc tới ở trên có lẽ là chiến dịch nổi bật nhất nếu xét tới toàn bộ quãng thời gian Zilingo ra đời, tồn tại và sụp đổ.
Theo: CNA, Bloomberg, Forbes