Ngày 3-8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chủ trì Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo về tiến độ triển khai thực hiện dự án vành đai 4.
Đang xin ý kiến về đường điện cao thế 110kV - 500kV
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Chí Cường - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội - cho biết hiện công tác di chuyển các cột điện cao thế từ 110kV - 500kV nằm trong phạm vi dự án đã được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội trình Sở Công Thương thẩm định.
Hiện sở này đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, sở, ngành liên quan để xin ý kiến về phương án di dời.
Về việc xây dựng các khu tái định cư, có 14 khu tái định cư được đầu tư xây dựng để phục vụ thu hồi đất thực hiện dự án. Đến nay có 2 khu (1 khu tại huyện Sóc Sơn và 1 khu tại huyện Thường Tín) hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 12 khu đang triển khai các thủ tục liên quan.
Triển khai dự án vành đai 4 "đang bị chậm lại một chút"
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thừa nhận sau khởi công, việc tiếp tục triển khai dự án đang "bị chậm lại một chút bởi giải phóng mặt bằng luôn là một việc khó khăn".
Lý giải cho việc bước đầu triển khai bị chậm, ông Dũng cho biết diện tích giải phóng mặt bằng dự án tuy không lớn nhưng liên quan nhiều đến các hộ dân và một số vị trí giải phóng mặt bằng còn khó khăn.
Theo yêu cầu, dự án phải cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác, sử dụng. Trước thực tế trên, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội đề nghị các quận, huyện tiếp tục quyết liệt trong giải phóng và bàn giao mặt bằng.
Đồng thời, tập trung triển khai 14 dự án tái định cư cho người dân, bảo đảm các yếu tố sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống.
"Quá trình triển khai không được làm mất quyền lợi của người dân nhưng vẫn phải đảm bảo mặt bằng thực hiện dự án" - bí thư Hà Nội chỉ đạo.
Đối với việc thi công các công trình ngầm, nổi, ông Dũng yêu cầu các sở, ngành, quận/huyện phối hợp với các cơ quan chức năng sớm hoàn thành hồ sơ trình thẩm định để thực hiện theo quy định.
Đối với dự án thành phần 3 (phần đường cao tốc), bí thư Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành xong phần thẩm định và sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, chống thất thoát, lãng phí.
Trước đó, sáng 25-6, UBND TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải tổ chức lễ khởi công, động thổ dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô.
Dự án gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỉ đồng, chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần.
Vành đai 4 - vùng thủ đô có chiều dài toàn tuyến là 112,8km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội là 56,5km, Hưng Yên là 20,3km, Bắc Ninh là 21,2km.
Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Sáng 30-7, tại tỉnh Bắc Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án đầu tư các tuyến đường tỉnh 295C, 285B kết nối TP Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với quốc lộ 3 mới, đường tỉnh 277B kết nối với cầu Hà Bắc 2, đường vành đai 4.