Thuế nhiều mục tiêu
Trên thế giới hiện phổ biến 3 phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), bao gồm cơ cấu thuế tương đối (theo tỉ lệ phần trăm trên giá bán), cơ cấu thuế tuyệt đối (mức thuế cố định tính trên đơn vị hàng hóa) và cơ cấu thuế hỗn hợp (kết hợp giữa thuế tính theo tỉ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối).
Xu hướng cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Châu Âu và Châu Á
Trong 3 phương thức, số quốc gia chọn đánh thuế tuyệt đối là đông nhất (66 quốc gia), tiếp đến là thuế hỗn hợp (61 quốc gia) và thuế theo tỉ lệ phần trăm (47 quốc gia).
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới và công ty PwC Việt Nam, so với gần 15 năm trước (2008), số lượng quốc gia chọn lựa cách tính thuế hỗn hợp đã gia tăng đều đặn và ngược lại số quốc gia áp dụng hệ thống thuế tương đối lại sụt giảm.
Theo PwC, giám sát và thu thuế TTĐB đối với thuốc lá thế hệ mới bằng phương pháp tuyệt đối hiệu quả hơn rất nhiều với với phương pháp tính thuế tương đối theo giá bán.
Khi đó, cơ quan thuế chỉ tập trung quản lý số lượng các sản phẩm sản xuất, nhập khẩu hoặc bán ra chứ không phải giá trị kê khai của hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh thuốc lá thế hệ mới có rất nhiều loại sản phẩm, qui cách khác nhau dẫn đến công tác xác minh giá cả kê khai sẽ rất khó khăn.
Áp dụng phương pháp này cũng sẽ hạn chế gian lận trong kê khai giá tính thuế TTĐB nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kê khai và đóng thuế dễ dàng và thuận tiện hơn.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành các văn bản định hướng chuyển sang áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp để hỗ trợ tốt hơn cho mục tiêu giảm sản lượng tiêu thụ sản phẩm thuốc lá.
Ủng hộ xu hướng này, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc công ty PwC Việt Nam nhận định, so với thuế tương đối mà Việt Nam đang áp dụng hiện nay, hệ thống thuế hỗn hợp sẽ khuyến khích nhà sản xuất đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng người tiêu dùng chuyển đổi sang tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá có chất lượng tốt hơn, giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho mục tiêu giảm sản lượng tiêu thụ sản phẩm thuốc lá.
"Ở giai đoạn hiện nay, Việt Nam có thể chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp, sau đó tăng dần thành phần tuyệt đối và giảm dần thành phần tương đối. Trong tương lai, khi phù hợp sẽ chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc", bà Vân cho biết.
Những lưu ý từ kinh nghiệm thực tiễn thế giới
Có thể thấy dù không có chính sách thuế nào là hoàn hảo và có thể đem áp dụng chung cho mọi quốc gia do đặc điểm, quy mô phát triển kinh tế, và hành vi hút thuốc lá ở mỗi quốc gia là khác nhau, nhưng một chính sách thuế theo thông lệ tốt nhất hoặc có hiệu quả phải đảm bảo được 2 mục tiêu chính là tăng thu ngân sách và giảm tiêu dùng.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, các quốc gia sẽ tính toán phương thức tính thuế và lộ trình tăng thuế cần phải phù hợp để góp phần kiến tạo và duy trì một môi trường kinh doanh ổn định, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Nhìn từ thông lệ quốc tế tốt nhất, một chính sách thuế thuốc lá hiệu quả và toàn diện cần phải có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, dịch chuyển từ cơ cấu thuế theo tỷ lệ phần trăm sang cơ cấu hỗn hợp và tiến tới thuế tuyệt đối đơn bậc, như Hàn Quốc đã làm.
Thứ hai, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ từ, không nên tăng thuế đột ngột. Nếu không, như Malaysia và Anh, giá bán lẻ thuốc lá hợp pháp đột ngột tăng cao, khiến người tiêu dùng rời bỏ thuốc lá hợp pháp.
Nguồn thu của Chính phủ khi đó sẽ trở nên mất ổn định và có thể giảm xuống. Báo cáo của PwC cho thấy, vào năm 2011, Vương quốc Anh đã tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt, cụ thể thuế theo tỷ lệ phần trăm đã giảm từ 24% xuống 16,5% trong khi thuế tuyệt đối tăng lên khoảng 30%.
Gánh nặng thuế đối với giá bán lẻ thuốc lá ở Anh tăng mạnh đã tạo ra thị trường tiêu thụ lớn cho thuốc lá bất hợp pháp và thuốc lá giả (chiếm khoảng 20% thị phần), thất thu thuế ước tính khoảng 2,3 - 2,5 tỷ bảng Anh trong giai đoạn 2016 - 2017, kèm theo đó tỷ lệ việc làm trong ngành bán lẻ bị giảm sút nghiêm trọng.
Tương tự, khi Malaysia áp dụng cách tăng thuế đột ngột thêm hơn 40% vào năm 2016, thị phần thuốc lá lậu đã tăng gần 40% so với năm 2015 và đến năm 2020 thị phần thuốc lá lậu đã chiếm 64% thị trường Malaysia.
Thứ ba, cần có lộ trình tăng thuế dài hạn, minh bạch như Philippines thực hiện khi cải cách thuế từ 4 bậc xuống còn đơn bậc, đồng thời điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt hàng năm.
Thứ tư, việc điều chỉnh thuế nên thực hiện từng bước, bảo vệ tính hiệu quả của biện pháp trước lạm phát. Hiện nay, nhiều nước đã áp dụng cách tiếp cận này và điều chỉnh thuế suất định kỳ qua thời gian.
Thuế tuyệt đối nên tăng dần qua các năm
Bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng phương thức đánh thuế theo mức tuyệt đối và đặc biệt là phương thức đánh thuế hỗn hợp hiện đang được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia do lợi ích mang lại của hai phương pháp này, đồng thời khuyến nghị việc tăng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp cần có lộ trình để đảm bảo số thuế tuyệt đối tăng qua các năm cần tương ứng với tốc độ lạm phát.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng việc tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá nên có lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có thể điều chỉnh, sắp xếp bố trí hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, vừa hạn chế thuốc lá lậu, tránh thất thu thuế, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lộ trình này cần cân nhắc cả về thời gian và mức thuế điều tiết.
"Chúng tôi ủng hộ phương án tăng thuế theo lộ trình hợp lý từ 2025. Trong năm đầu tiên, bên cạnh thuế suất 75% bổ sung thêm thuế tuyệt đối ở mức 500 đồng/bao, tiếp đến nâng dần theo lộ trình 500 đồng/bao mỗi năm", bà Cúc phân tích.