Chiều 3-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Giảm lãi suất, giảm thủ tục hành chính
Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết 33/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết trong quý II/2023, giá giao dịch chung cư mới tại một số khu vực ở những thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội... đã tăng dù thị trường BĐS có dấu hiệu chững lại. Trong khi đó, giá bán BĐS nghỉ dưỡng, biệt thự, đất nền tiếp tục xu hướng giảm.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên cấp tín dụng cho những dự án có hiệu quả, dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. NHNN cũng sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực BĐS.
"Làm nóng" cuộc họp, ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư IMG, chỉ rõ thị trường BĐS đang tồn tại 3 vấn đề lớn. Thứ nhất, việc đầu cơ đất và lũng đoạn thị trường BĐS gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Từ đó, ông Tự kiến nghị trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung quy định thuế suất thuế đất hằng năm là 2% và áp dụng thuế lũy tiến đối với những khu đất không đưa vào kinh doanh, không sinh lời.
Thứ hai, các nước phát triển áp dụng lãi suất trung hạn 3%-5%/năm trong khi lãi suất này khoảng 5-6 tháng trước ở Việt Nam là 12%-14%/năm. Điều này dẫn đến doanh nghiệp (DN) không muốn vay, không dám vay và khách hàng mất niền tin vào thị trường, dồn tiền cho lĩnh vực khác. Bởi vậy, ông Tự kiến nghị hạ lãi suất trung hạn xuống mức khoảng 8,5%/năm như 2 năm trước đây và quy định biên độ 12 tháng dưới 3%.
Thứ ba, khó khăn nhất của DN BĐS hiện nay là vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính. Theo ông Tự, có sự chồng chéo giữa các quy định của pháp luật khi 1 vấn đề, 1 quy định nhưng có nhiều cách hiểu. Mặt khác, cấp thực thi - chủ yếu là địa phương - thường không thực hiện, không dám làm. "Ở nhiều nơi, "lệ làng" rất to, không làm cũng không sao nên DN rất cơ cực. Chúng tôi giao việc cho anh em có deadline (hạn chót - PV), còn cán bộ nhà nước có chậm hoặc không làm cũng không sao" - ông Tự nêu thực trạng.
Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp - nhận xét Nghị quyết 33/2023 đã đi vào thực tế và phát huy hiệu quả nhưng do vướng mắc pháp lý nên DN gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng. Ông Trung kiến nghị trong ngắn hạn, ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn.
Cũng nhấn mạnh 70% vướng mắc của DN BĐS nằm ở vấn đề pháp lý, sau đó mới đến vướng mắc về vốn mà cụ thể là liên quan thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, kiến nghị xem xét lại một số quy định của NHNN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
Nhiều dự án bất động sản trên địa bàn cả nước đang vướng mắc về vấn đề pháp lý, cần sớm tháo gỡẢnh: TẤN THẠNH
Phát triển nhà ở xã hội ở nơi thanh khoản tốt
GS-TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, đánh giá tới thời điểm này, với những hành động kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, diện mạo của thị trường BĐS đã có thay đổi. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở xã hội có số lượng dự án còn thấp. Do đó, cần thúc đẩy tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, đặc biệt là nguồn cung ở thị trường đang có thanh khoản tốt.
Đồng tình, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, kiến nghị thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước làm vốn mồi, lãi suất cho vay đầu tư, mua nhà ở xã hội bằng khoảng 50% lãi suất thị trường, như Singapore và Hàn Quốc đã làm.
Liên quan vấn đề cơ chế, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nêu quan điểm cần ưu đãi mạnh đối với dự án nhà ở xã hội, chẳng hạn rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính xuống dưới 12 tháng. "Chủ đầu tư đang vay với lãi suất 8,7%/năm và người mua nhà ở xã hội là 8,2%/năm, là mức rất cao. Cần giảm về dưới 6%/năm đối với chủ đầu tư và người mua nhà là dưới 4,5%/năm. Lợi nhuận định mức của các DN nên là trên 10%, thay cho dưới 10%" - ông Khôi đề nghị.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nêu rõ dự án nhà ở xã hội hiện nay không khác nhiều so với dự án nhà ở thương mại nên sẽ khó tạo sức bật. Bởi vậy, cần có quy định, quy trình riêng, nhất là rút gọn trình tự lựa chọn chủ đầu tư vì quy trình đấu thầu hiện nay rất tốn thời gian.
Tăng cường hợp tác công - tư
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá thị trường BĐS vẫn còn những khó khăn, vướng mắc liên quan pháp lý, việc phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các thủ tục hành chính, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền...
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu quyết liệt triển khai chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn nhưng có kiểm soát. Cụ thể, giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng, đẩy mạnh cung tiền M2; đẩy mạnh khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ… "Các biện pháp giảm, giãn hoãn thuế, phí, lệ phí, trong đó giảm thuế GTGT phải nhanh với tinh thần "cái gì được thì cho đi trước", không thể chờ cả gói mới thực hiện, miễn là đúng luật pháp" - Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần cơ cấu lại các phân khúc BĐS cho phù hợp; quan tâm phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập trung bình. Cơ cấu BĐS không hợp lý khiến nhiều người có nhu cầu thực không thể tiếp cận nhà ở. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ một cách thực chất, hiệu quả.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án BĐS. Phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, DN thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư. Đồng thời, phối hợp NHNN, Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Thủ tướng yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng, các tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng nêu trên. Các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục cho vay.
Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu DN; nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội cho công nhân; thúc đẩy tăng cường hợp tác công tư trong phát triển nhà ở xã hội...
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan xác định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất...
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chủ động thành lập các Tổ công tác, tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Nova, kiến nghị Chính phủ tăng cường xây dựng, bảo đảm pháp lý cho kinh tế tư nhân để DN yên tâm phát triển. "DN mong muốn nhà nước không hình sự hóa kinh tế trên cơ sở ban hành các văn bản pháp lý, đồng thời bảo vệ quyền tài sản của DN tư nhân và quyền lợi ích của doanh nhân" - ông Nhơn bày tỏ.
Xem thêm: mth.75781122230803202-nas-gnod-tab-cuhk-nahp-cac-ial-uac-oc/us-ioht/nv.moc.dln