Tại TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) còn ba vị trí có nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương đã tăng cường cảnh báo, sẵn sàng di tản người dân khi cần thiết. Xã Nhân Cơ và thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R'Lấp, Đắk Nông) có hai tuyến đường bị sạt lở hàng chục mét, có nguy cơ đang lan rộng. Trong khi đó, tại huyện biên giới Tuy Đức có bốn tuyến đường và nhiều công trình bị sạt lở, đất đá trôi chắn xuống đường gây ách tắc.
Mưa lũ cũng khiến nước đổ về đột ngột chảy qua hạ lưu Nhà máy thủy điện Đắk Nông 2 gây sạt lở góc sân trước Nhà máy thủy điện Đắk R'Tih với diện tích khoảng 300m2 (sâu khoảng 10m) tuy nhiên chưa ảnh hưởng đến kết cấu nhà máy.
Ngoài ra trên quốc lộ 14 (tuyến tránh thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk) cũng xuất hiện thêm một điểm sạt lở tại vị trí cống ngang km6+600. Hiện các đơn vị quản lý xử lý các vết nứt chống nước mưa ngấm xuống nền đường gây sạt lở tuyến.
Tại Lâm Đồng, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, đánh giá nguy cơ sạt lở trên toàn tỉnh, đặc biệt các tuyến đường đèo cửa ngõ TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng. UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Giao thông vận tải thành lập đoàn công tác gồm các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND TP Đà Lạt tham gia kiểm tra, rà soát, đánh giá chi tiết tất cả các vị trí có nguy cơ sạt lở.
Tại khu vực đèo Bảo Lộc, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các sở ngành cần theo dõi chặt chẽ hiện tượng sạt trượt đất, duy trì phương án cứu hộ cứu nạn được tổ chức từ hai đầu đèo.
Sáng 3-8, ngành chức năng đang tiếp tục gia cố và làm rõ nguyên nhân nứt tại quốc lộ 14. Ông Nguyễn Văn Quý - phó giám đốc Công ty BOT và BT Đức Long Đắk Nông - nói đây chỉ là giải pháp khắc phục tạm thời, tránh việc nước tiếp tục ngấm qua các khe nứt gây sạt lở. "Sau đó nhà đầu tư sẽ thuê một đơn vị tư vấn khảo sát toàn bộ địa chất của khu vực để đưa ra giải pháp khắc phục", ông Quý nói.
Khu Quản lý đường bộ III có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải cho hay mái ta luy âm phía trái tuyến quốc lộ 14 xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 300m. Nguyên nhân ban đầu được nhận định là đoạn nền đường đắp có mái ta luy âm cao và nằm trên triền đá, khi mưa lớn kéo dài dẫn đến nước ngầm chảy gây sạt trượt.
Do ảnh hưởng mưa bão kéo dài, nhiều nơi ở Tây Nguyên ngập lụt trong nước. Hàng trăm ngôi nhà bị ngập sâu, hàng ngàn héc ta lúa và hoa màu bị hư hại.