Sáng 4-8, tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã chủ trì hội nghị "Triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo" đến 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trần Duy Đông, cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết ước tính đến hết tháng 7-2023 Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỉ USD (tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về giá trị); giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Về sản xuất, ông Đông cho biết các địa phương đã thu hoạch gần 3,7 triệu ha. Từ nay tới cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ đảm bảo kế hoạch đáp ứng nhu cầu lúa, gạo trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, sau khi cân đối cho các nhu cầu lúa gạo trong nước thì lượng lúa có khả năng phục vụ cho xuất khẩu trong năm 2023 khoảng 15,1 triệu tấn, tương đương 7,5 triệu tấn gạo.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sau khoảng hai tuần kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng hơn 60 USD/tấn, từ mức 535 USD/tấn tăng lên mức 602 USD/tấn; giá gạo Jasmine cũng tăng từ 625 USD/tấn lên 690 USD/tấn.
Ông Diên cho biết bối cảnh này cần tập trung tận dụng thời cơ để đẩy mạnh sản xuất, mục tiêu đặt ra là bán được giá cao, nhưng cũng đưa ra một số lưu ý.
"Chúng ta vừa đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo nhưng phải giữ được an ninh lương thực, giữ được thương hiệu. Chúng ta vất vả lắm mới có thương hiệu nhưng nếu thừa thế xông lên mà không tuân thủ nghiêm quy luật thị trường thì chúng ta sẽ đánh mất thương hiệu.
Chúng ta đánh mất một đơn hàng không đơn thuần là đơn hàng đó mà mất cả thị trường. Chúng ta tăng xuất khẩu không chỉ ở thị trường truyền thống mà còn với các thị trường tiềm năng nhưng phải giữ nguyên tắc an ninh lương thực, chứ để người dân đói thì tiền nhiều cũng là giấy mà thôi.
Tóm lại có 3 nguyên tắc cần phải tuân thủ. Thứ nhất là tranh thủ sản xuất, xuất khẩu gạo để đạt được giá trị xuất khẩu cao nhất, tranh thủ mở rộng thị trường tốt nhất. Thứ hai là phải đảm bảo an ninh lương thực. Thứ ba là phải giữ được thương hiệu gạo. Chúng ta có biết bao việc phải làm", ông Diên nói.
Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường lúa gạo.