TS.BS Lê Mạnh Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết hiện có ít nhất 5 loại siêu vi (A, B, C, D và E), trong đó siêu vi B và C nguy hiểm nhất. Với siêu vi C thì đã có thuốc đặc trị nên người bệnh có thể khỏi bệnh trong vòng 3 tháng uống thuốc, nhưng siêu vi B vẫn còn là thách thức lớn.
Nếu được dự phòng đúng thì khả năng lây truyền từ mẹ sang con giảm xuống còn dưới 5%
Theo đó, bệnh viêm gan siêu vi B là tình trạng gan bị viêm, các tế bào gan bị hủy hoại do siêu vi viêm gan B (gọi tắt là siêu vi B hay HBV) gây ra.
Khi siêu vi B xâm nhập vào cơ thể sẽ sinh sôi, phát triển. Có trường hợp chúng không gây hại, vẫn nằm yên trong cơ thể người. Tuy nhiên có trường hợp làm gan viêm, sưng và to lên với biểu hiện đau hạ sườn phải, gan to, ấn vào thấy tức bên phải.
Có hai con đường lây truyền chính. Lây theo đường ngang là người nhiễm lây sang người không nhiễm qua đường truyền máu, quan hệ tình dục với khả năng hồi phục hơn 90%.
Lây truyền theo đường dọc là từ mẹ sang con. Khả năng lây truyền siêu vi B từ mẹ sang con có thể hơn 95% nếu không có biện pháp phòng ngừa. Nhưng nếu được can thiệp, dự phòng đúng, khả năng này giảm xuống còn dưới 5%.
"Giữa người trưởng thành bị lây nhau thì chưa đến 5% gây bệnh, nhưng trẻ em lây từ mẹ thì cả cuộc đời bị ảnh hưởng. Do đó muốn ngăn chặn được siêu vi B phải ngăn chặn đường lây này bằng cách tiêm ngừa và nhiều biện pháp khác", TS.BS Mạnh Hùng nói.
Đến ngay bệnh viện chuyên khoa gan, không tự ý uống thuốc
TS.BS Mạnh Hùng cho hay hơn 70% (kể cả thai phụ) khi nhiễm siêu vi B cấp thì không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Khi tình cờ xét nghiệm mới biết bản thân nhiễm siêu vi B.
Nếu nhiễm siêu vi B trong vòng 6 tháng nhưng không phát hiện sẽ gây viêm mạn tính, sau đó gây xơ gan, ung thư gan. Đặc biệt siêu vi B gây ung thư gan bất kỳ lúc nào, ngay cả người bệnh đang uống thuốc, không uống thuốc, uống thuốc đã đạt được kết quả thành công rồi ngưng vẫn có thể gây ung thư gan.
Khi nhiễm siêu vi B, người bệnh (kể cả thai phụ) nên đến các bệnh viện chuyên khoa gan thực hiện tư vấn, xem xét phương án điều trị. Người bệnh không lên mạng tìm thuốc uống, nghe theo hướng dẫn “bác sĩ nhân dân”, "bác sĩ Google".
Tại bệnh viện, sản phụ sẽ được bác sĩ khám và làm thêm một số xét nghiệm cần thiết để xem xét có chỉ định điều trị viêm gan B hay không. Nếu chưa có chỉ định điều trị, bác sĩ sẽ tư vấn, thực hiện dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Còn nếu có chỉ định điều trị, thông thường thai phụ sẽ được hướng dẫn uống thuốc TDF 1 viên/ngày (được cho phép thai phụ dùng). Thời gian điều trị lâu dài, có trường hợp điều trị suốt đời như những bệnh viêm gan siêu vi B mạn khác.
Khi trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B sẽ được tiêm ngừa trong 24 giờ sau sinh với hai loại thuốc: kháng huyết thanh viêm gan B (HBIG) và vắc xin ngừa viêm gan B. Sau đó tiêm đủ các liều vắc xin viêm gan B cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi trẻ trên 12 tháng tuổi, làm xét nghiệm HBsAg và Anti HBs để đánh giá tình trạng nhiễm của trẻ.
"Điều trị viêm gan siêu vi B và phòng lây truyền từ mẹ sang con trên thai phụ bị nhiễm cần sớm và đúng để mang lại hiệu quả cao và an toàn", TS.BS Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cứ 10 người dân Việt Nam có 1 người nhiễm viêm gan siêu vi B
Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2016 có 8,7 triệu ca nhiễm mạn, với 23.000 ca tử vong/năm do nhiễm viêm gan siêu vi B. Đến năm 2019 có hơn 9,2% nhiễm mạn. Như vậy, cứ khoảng 10 người có 1 người nhiễm viêm gan siêu vi B.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và C cao trên thế giới, với hơn 40.000 người tử vong (năm 2017). Riêng TP.HCM, tỉ lệ người từng nhiễm vi rút viêm gan B là 54,5%, còn vi rút viêm gan C là 1,5%.