Sáng 4-8, tại Cột cờ Thủ Ngữ, Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023 chính thức khai mạc, mở đầu cho sự kiện du lịch lớn nhất từ trước đến nay của TP.
Kể chuyện bằng nghệ thuật kết hợp công nghệ
Tại lễ khai mạc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh: Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng; đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông biển trên địa bàn TP; hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa, UBND TP.HCM tổ chức Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023.
Theo ông Mãi, điểm nhấn đặc sắc của lễ hội là chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” sẽ tái hiện lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM. Chương trình với sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, từ âm nhạc, điện ảnh, vũ kịch đến công nghệ ánh sáng cùng các công nghệ trình diễn hiện đại và sự tham gia của gần 700 diễn viên, nghệ nhân dân gian.
Lãnh đạo TP.HCM tham quan không gian nghệ thuật tại lễ khai mạc Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất. Ảnh: THU TRINH |
“Chương trình được kỳ vọng sẽ lan tỏa niềm tự hào và tình yêu dành cho TP.HCM cũng như truyền cảm hứng du lịch và khám phá điểm đến” - ông Mãi nói.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết đây là lần đầu tiên TP.HCM thực hiện trình diễn thực cảnh trên sông Sài Gòn. Vì vậy, các yêu cầu về nhân sự, an toàn, trang thiết bị đòi hỏi sự linh hoạt cao và cũng là lần đầu có sự chung sức, chung lòng của nhiều ngành công thương, du lịch, văn hóa - thể thao, hàng không… Ngành du lịch muốn nhấn mạnh tính trải nghiệm của người dân trong các hoạt động nghệ thuật, thể thao, trong đó người dân là “nhân vật chính”.
“Ngành du lịch kỳ vọng lễ hội sẽ trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo chưa từng có của du khách đến TP.HCM. Sau lễ hội sẽ có sự tăng trưởng cao về lượt khách đến TP.HCM và sự tăng trưởng của ngành dịch vụ từ nguồn khách tại chỗ” - bà Hoa kỳ vọng.
TP đang thực hiện công tác cập nhật quy hoạch đường thủy từ quy hoạch của khu vực và quy hoạch của TP để cuối năm trình quy hoạch chung. Từ cơ chế đất đai, cập nhật quy hoạch, cơ chế thu hút, kêu gọi nhà đầu tư thì chúng ta sẽ có một sản phẩm quảng bá thông tin về sông Sài Gòn, về đô thị sông nước của TP.HCM xứng tầm trong tương lai.
Ngoài ra, Sở Du lịch khẩn trương phối hợp với Sở GTVT đưa vào khai thác các cầu cảng 2, 3, 4 và cầu cảng B của Ba Son trong thời gian tới. Khi cầu cảng này được đưa vào sử dụng sẽ phát triển thêm tàu nhà hàng, tàu lưu trú trên sông, tàu phục vụ du lịch. Đặc biệt, ngành du lịch xin cấp phép vị trí neo đậu trên sông Sài Gòn và đưa vào sử dụng 12 vị trí neo đậu trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HOA, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM
Đa dạng sản phẩm du lịch đường sông
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị truyền thông Công ty Lữ hành Vietluxtour, đánh giá Lễ hội sông nước diễn ra vào thời điểm khá thuận lợi vì kích cầu được nhu cầu du lịch nội địa và đa dạng chuỗi sản phẩm sông nước dành cho khách quốc tế trong mùa cao điểm sắp tới.
Theo bà Thu, hiện sản phẩm du lịch đường sông TP còn hạn chế ở loại hình nên đa phần chỉ phục vụ du khách một lần, khó tiếp thị lại. Do vậy, nếu thường xuyên được làm mới và quảng bá tốt thì sẽ thu hút không chỉ du khách quốc tế mà còn hấp dẫn du khách tại địa phương.
“Tôi kỳ vọng sau sự kiện lễ hội lần này, TP sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch sông nước đa dạng và đặc sắc hơn để sản phẩm du lịch sông nước Sài Gòn không chỉ là tiềm năng mà sẽ được khai thác hiệu quả hơn” - bà Thu nói.
ThS Hoàng Ngọc Hiển, Phó Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Văn Lang, cho rằng tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch du thuyền trên sông Sài Gòn rất lớn bởi sự ưu đãi của tự nhiên khi kết nối du lịch du thuyền đường biển với các hãng tàu lớn trên thế giới với TP thông qua cảng Sài Gòn. Tuy nhiên, tài nguyên du lịch đường sông của TP nhiều nhưng chỉ ở dạng tiềm năng. Ngoài ra, quy hoạch ven sông chưa đồng bộ, bến cảng hạn chế về dịch vụ.
ThS Hiển đề xuất: TP cần quy hoạch tổng thể, trong đó ưu tiên nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng dọc hai bên bờ sông, xây dựng cảng du lịch trên sông và cảng du lịch biển nhằm kết nối du lịch quốc tế đường biển với TP. Đồng thời, TP thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào kinh doanh du thuyền trên sông, đầu tư cơ sở hạ tầng bến cảng.•
Nhiều ưu đãi dịp Lễ hội sông nước TP.HCM
Lễ hội sông nước lần thứ nhất năm 2023 diễn ra từ ngày 4 đến 6-8 với chuỗi hoạt động văn hóa - giải trí - nghệ thuật - thể thao đặc sắc diễn ra bên dòng sông. Du khách có thể trải nghiệm các chương trình du lịch đường thủy; không gian “Trên bến dưới thuyền” tại kênh Nhiêu Lộc (quận 1) và bến Bình Đông (quận 8). Đặc biệt là các hoạt động thể thao dưới nước như giải đua thuyền truyền thống, trình diễn dù lượn, trình diễn bay bằng ván phản lực nước - flyboard…
Nằm trong chương trình lễ hội, ngành du lịch TP.HCM cũng công bố nhiều sản phẩm du lịch đường thủy, trong đó sẽ có 27 tour du lịch đường thủy tầm ngắn, chín tour du lịch đường thủy tầm trung và 10 tuyến du lịch đường thủy tầm xa.
Bên cạnh đó, Công ty Vietravel cho ra mắt gói dịch vụ tham quan và trải nghiệm xe buýt hai tầng, ăn tối trên tàu Indochina với giá tốt chỉ từ 500.000 đồng/khách trong hơn 3 giờ đồng hồ. Tàu sẽ khởi hành tại cảng Sài Gòn (bến Nhà Rồng) và đi dọc một đoạn sông Sài Gòn.
Công ty Saigontourist cũng có các chương trình khám phá huyện Cần Giờ bằng đường bộ và đường sông với giá vé khuyến mãi 5%-40%, chỉ từ 599.000 đồng. Công ty Chim Cánh Cụt, Công ty Saco Travel khám phá TP trên sông bằng hình thức trải nghiệm mới với giá 250.000 đồng…