Theo bà Trần Phương Ngọc Thảo, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Ủy ban ESG PNJ, chiến lược ESG đã được tích hợp vào cùng chiến lược phát triển tổng thể của PNJ, qua đó, mọi chiến lược điều hành vĩ mô, sáng kiến, sản xuất - kinh doanh, hoạt động xã hội của PNJ đều lấy ESG là kim chỉ nam.
Có thể nói, giải thưởng này là một minh chứng rõ nét cho định hướng phát triển bền vững một cách toàn diện của PNJ. Doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững lan toả sâu rộng trong xã hội, đồng thời truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước thực hành phát triển bền vững một cách thực chất và hiệu quả.
Nhờ bám sát triết lý phát triển bền vững “PNJ hành động có trách nhiệm để tôn vinh vẻ đẹp của con người và cuộc sống một cách bền vững”, những năm gần đây, PNJ đã thực sự nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư, tăng cường hợp tác thương mại quốc tế…
Có thể thấy, việc doanh nghiệp đi trên con đường phát triển bền vững, hướng đến môi trường và cộng đồng, hoạt động xã hội là một lợi thế cạnh tranh sắc nét. Hơn nữa, ngày nay, sự gia tăng giám sát từ các nhà đầu tư, sự thay đổi trong kỳ vọng của người tiêu dùng và khách hàng, thay đổi về chính sách công đã khiến các tiêu chuẩn về ESG trở thành tất yếu đối với doanh nghiệp.
Tại PNJ, ESG gồm ba trụ cột: Environmental (Môi trường); Social (Xã hội) và Governance (Quản trị doanh nghiệp). Bộ tiêu chuẩn này giúp đo lường các yếu tố liên quan phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp với cộng đồng.
Doanh nghiệp đưa ra cam kết rằng không ngừng cải thiện và tuân thủ nghiêm ngặt các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn ESG. Các hoạt động ESG đều nhận được sự tham gia tích cực, toàn diện từ các cấp lãnh đạo, quản lý cho đến nhân viên. Nhờ vậy, ESG cũng đã trở thành kim chỉ nam giúp doanh nghiệp mạnh mẽ vươn tầm, gặt được nhiều “quả ngọt”.
Các chiến lược phát triển bền vững của PNJ được triển khai một cách toàn diện ở cả 3 trụ cột là E, S và G. Ảnh: Đức Thưởng. |
Ở mặt trận kinh doanh, năm 2022, PNJ đã ghi nhận doanh thu hơn 33.800 tỷ đồng, tăng hơn 73% so với cùng kỳ; lãi hơn 1.800 tỷ đồng, tăng 75,6%. Thị phần PNJ ở phân khúc trung cao cấp đã tăng gấp đôi so với năm 2017, từ mức 25% lên 51%. Năng suất lao động cũng tăng 208% trong giai đoạn này.
Giá trị thương hiệu của PNJ do Brand Finance công bố năm 2022 đã tăng 3,7 lần sau 5 năm, đạt 367 triệu USD. PNJ cũng bứt phá, vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau FedEx trong bảng xếp hạng về trải nghiệm khách hàng của KPMG.
Bên cạnh đó, phải kể đến việc PNJ “F5”, đổi mới một cách bài bản và xuyên suốt các chương trình CSR, từ đó mang đến những giá trị tích cực và nhân văn cho xã hội trong quá trình tạo ra giá trị kinh tế của doanh nghiệp.
Phá vỡ những khuôn khổ trong cách thực hiện hoạt động thiện nguyện truyền thống, PNJ nâng tầm chương trình CSR (trách nhiệm xã hội) trở thành các chiến dịch nhân văn, thiết thực và có sức ảnh hưởng trên toàn quốc.
Cụ thể, chuỗi siêu thị mini 0 đồng do PNJ tổ chức đã trở thành hoạt động trọng điểm của TP.HCM để chăm lo cho hàng trăm nghìn người dân khó khăn. Chương trình đồng hành vượt cạn đã tiếp sức cho gần 3.000 thai phụ xa quê gặp khó khăn. Dự án nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam do PNJ khởi xướng, đồng hành cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Chương trình mái ấm niềm tin trao gần 450 căn nhà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước.
Chỉ trong 5 năm qua (2018 - 2022), PNJ đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 6.000 tỷ đồng, giúp đỡ trên 1 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động trách nhiệm cộng đồng.
Tiếp nối thành tựu ở quá khứ, PNJ tiếp tục đẩy mạnh thực thi ESG trong tương lai, bởi như bà Trần Phương Ngọc Thảo, “ESG không còn là lựa chọn, mà đã thành con đường để PNJ làm tròn sứ mệnh phụng sự xã hội, cộng đồng trên hành trình phát triển bền vững”.