Mưa lớn vẫn có thể tiếp tục nên vấn đề là làm sao để phòng tránh những trận lở đất tiếp theo? Nguyên nhân hiện tại và về lâu dài cần có những giải pháp gì để phòng tránh tai nạn cực kỳ nguy hiểm này trở thành vấn đề quan tâm của nhiều người.
Tuổi Trẻ đã có trao đổi với TS Nguyễn Quốc Định, giảng viên Trường đại học Phenikaa (Hà Nội), và một số chuyên gia khác để hy vọng tìm một phần câu trả lời.
* Thưa TS Nguyễn Quốc Định, theo ông đâu là những nguyên nhân dẫn tới một loạt vụ sạt lở đất, sụp lún, nứt gãy đất nghiêm trọng ở Lâm Đồng, Đắk Nông vừa qua?
- Mưa lớn vẫn là nguyên nhân quan trọng nhất, từ các vụ sạt lở đất tại TP Đà Lạt tới vụ việc tại đèo Bảo Lộc đều có nguyên nhân chính này.
Mưa làm tích một lượng nước lớn trong đất, làm giảm kết cấu độ bền của đất cộng với địa hình dốc đã dẫn tới sạt lở.
Nguyên nhân tiếp theo chắc chắn là từ hoạt động can thiệp của con người như đô thị hóa, di dân, phá rừng, xây dựng nhà ở trên địa hình đồi, dốc.
Hoạt động can thiệp của con người đã phá vỡ cân bằng tự nhiên vốn có nên khi mưa lớn kéo dài thì làm giảm sức bền của đất, trọng lượng của đất tăng lên đã dẫn đến sạt trượt.
Với hiện tượng sụp lún, nứt gãy đất tại nhiều nơi ở tỉnh Đắk Nông, bản chất đây là hiện tượng sạt trượt ngầm quy mô lớn do tác động của mưa kéo dài và các tác động của con người. Hiện tượng sạt trượt ngầm tiềm ẩn nguy cơ thành sạt lở lớn nên cần có biện pháp phòng tránh kịp thời.
* Ngoài khu vực Tây Nguyên, theo ông, những khu vực nào khác trên cả nước có nguy cơ sạt lở cao khi mùa mưa tới?
- Những năm qua, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản đã có một đề án điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở các vùng miền núi Việt Nam.
Khi đó, chúng tôi đã điều tra được các tỉnh vùng núi phía Bắc, miền Trung, những khu vực năm nào cũng xảy ra sạt lở trong mùa mưa.
Chẳng hạn năm 2020-2021 tại Quảng Nam (khu vực Nam Trà My) đã xảy ra các vụ sạt lở, có thiệt hại lớn về người và tài sản, bắt đầu cũng từ mưa lớn kéo dài.
Sau điều tra, đánh giá và phân vùng thì Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản đã lập được bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở tại các tỉnh miền núi Việt Nam.
Hiện đã lập xong bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung (đến Quảng Nam). Bản đồ này đã chỉ rõ từng vùng có nguy cơ sạt lở và sạt lở cao tại các tỉnh.
Từ bản đồ này, nhiều tỉnh đã tiến hành điều tra chi tiết thêm về nguy cơ sạt lở tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, có đông dân cư sinh sống để cảnh báo sớm cho người dân và có giải pháp hạn chế sạt lở đất.
Với các khu vực có nguy cơ sạt lở cao thì phải thực hiện di dời dân, hạn chế xây dựng các công trình nhà ở, hạ tầng đường sá, cầu đường qua khu vực này để giảm thiểu rủi ro. Đồng thời tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao sẽ xây dựng các công trình kè, neo và các giải pháp kỹ thuật khác để hạn chế sạt lở.
Tuy nhiên, các giải pháp xây dựng công trình kỹ thuật để ngăn sạt lở đất khá tốn kém, còn các giải pháp phi công trình như tăng cường ý thức người dân bản địa, hạn chế cắt xẻ taluy dốc, tạo nguy cơ sạt lở đất dễ thực hiện hơn.
* Các vụ sạt lở đất thường khó kiểm soát hậu quả, vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở đất, hạn chế thiệt hại về người và tài sản?
- Để cảnh báo sớm sạt lở đất cần các mô hình dự báo, dù không chính xác tuyệt đối nhưng sẽ giúp cho chính quyền địa phương có định hướng trong công tác phòng, chống thiên tai, ví dụ như di dời dân hay đầu tư những công trình kỹ thuật để hạn chế sạt lở đất.
Điều này tương tự như việc dự báo các cơn bão hiện nay, khi cơ quan khí tượng thủy văn dự báo có bão đổ bộ, có mưa lớn kéo dài thì các địa phương sẽ thông báo cho người dân tăng cường phòng chống, tránh trú bão.
Với các biện pháp công trình, hiện nay Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản đã lắp các trạm cảnh báo sớm về sạt lở, lũ quét, lũ bùn đá tại một số nơi. Nếu chúng ta mở rộng việc lắp đặt các trạm cảnh báo sớm ở nhiều địa phương thì sẽ giảm được thiệt hại do sạt lở đất.
Chẳng hạn tại Đài Loan, hiện tượng sạt lở đất diễn ra nhiều nhưng nhờ lắp đặt hệ thống trạm cảnh báo sớm mà có những năm không có người nào thiệt mạng do sạt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá.
Hiện công nghệ của Đài Loan cũng đang được Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản lắp đặt khá nhiều trạm cảnh báo trượt lở đất trên cả nước, nhưng trạm cảnh báo trượt lở, lũ bùn đá thì mới lắp được một trạm ở Bản Quang, thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Tuy vậy, hệ thống này cũng chỉ cảnh báo sớm lũ quét, lũ bùn đá trước năm phút để người dân có thể di chuyển để thoát nạn.
* Chúng ta có thể kết hợp giữa việc dự báo mưa lớn với bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất đã được xây dựng để dự báo, cảnh báo trước nguy cơ sạt lở cho người dân?
- Qua bản đồ phân vùng có nguy cơ sạt lở đất, chúng ta sẽ xác định được ngưỡng mưa kích hoạt sạt lở đất, nên khi có dự báo mưa lớn thì hoàn toàn có thể dự báo được vùng có nguy cơ sạt lở đất.
Tất nhiên dự báo luôn có sai số, cũng giống như chúng ta dự báo bão vào Việt Nam thì đôi khi bão lại đi vào Trung Quốc.
* Theo ông, điều gì là quan trọng nhất đối với công tác phòng tránh sạt lở đất hiện nay?
- Tôi cho rằng phải thay đổi nhận thức của người dân, chính quyền các địa phương về nguy cơ sạt lở đất.
Nếu người dân tiếp tục bạt đồi, núi để xây nhà trong khi chính quyền không có biện pháp can thiệp, yêu cầu thực hiện đúng quy định nhà nước thì những vụ đổ tường chắn, taluy sạt trượt gây chết người như ở TP Đà Lạt mới đây sẽ vẫn xảy ra.
Về lâu dài, cần xây dựng xong bản đồ phân vùng có nguy cơ sạt lở ở các tỉnh miền núi trên toàn quốc (khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền núi khu vực Nam Trung Bộ chưa được lập bản đồ), đồng thời xây dựng các mô hình cảnh báo sớm sạt lở đất tại các tỉnh miền núi trên cả nước để cảnh báo sớm nguy cơ.
Đường tránh Bảo Lộc chưa thông xe đã sạt lở, nứt toác
Sáng 4-8, đường tránh quốc lộ 20 đoạn qua phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng (hoàn thành được 70%, dừng từ tháng 10-2020 đến nay) xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài giữa lòng đường.
Được biết, các vết nứt xuất hiện từ ngày 31-7, đến sáng 4-8 thì một đoạn mặt đường bị sụp lún sâu hơn vị trí xung quanh khoảng 20 - 30cm. Đoạn đường bị nứt dài khoảng 20m.
Trước đó vào cuối tháng 3-2023, tuyến đường này bị cấm xe hoàn toàn sau khi để người dân tự ý đi lại, xảy ra tai nạn khiến hai người chết.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết nhiều ngày qua TP Bảo Lộc có lượng mưa lớn vượt mức trung bình nhiều năm.
Cụ thể, có thời điểm mưa một ngày bằng nửa tháng 7-2023 và bằng một tháng có lượng mưa nhiều nhất trong năm 1985. Ông Phúc thừa nhận các sự cố liên quan đến hạ tầng có liên quan đến yếu tố quản lý nhưng nguyên nhân chính vẫn là thời tiết diễn biến cực đoan, khó lường.
Một số nơi ở Tây Nguyên phải di dân để tránh sạt lở đất
Ông Trần Hồng Thái, tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, cho hay năm vừa qua sạt lở đất diễn ra nhiều do lượng mưa lớn.
Trong công tác phòng, tránh sạt lở đất tổng cục đang triển khai hai giải pháp, phòng tránh sạt lở đất thường xuyên thì sử dụng nhiều hơn các công nghệ hiện đại, tăng cường số liệu quan trắc, dự báo lượng mưa tốt hơn và hướng tới dự báo cụ thể hóa đến từng điểm sạt lở đất.
Riêng ở Tây Nguyên và một số tỉnh đang có thực trạng đứt gãy địa chất và có xu thế có thể gây nguy hại lớn, thường xuyên. Đây là vấn đề tổng cục rất quan tâm, đang tổng hợp số liệu nghiên cứu.
Có những nơi ở Tây Nguyên phải tính toán tới phương án sắp xếp lại các hộ dân, di dân để bảo đảm an toàn trước nguy cơ sạt lở đất; đây là công việc gấp gáp, trước mắt phải làm.
* TS Trịnh Xuân Hòa (phó viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản):
Quy hoạch rõ đất sản xuất
Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang chuẩn bị vào Đắk Nông để xem vì sao lại có hiện tượng sụp lún, nứt gãy nghiêm trọng tại các khu vực xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức; phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa hay khu vực xã hồ Đông Thanh (Lâm Hà, Lâm Đồng).
Việc nghiên cứu tìm nguyên nhân sụp lún, nứt gãy lần này chỉ tập trung ở những khu vực cụ thể, nhưng việc cảnh báo cho người dân về nguy cơ sạt lở đất cần cảnh báo sớm cho người dân cả vùng Tây Nguyên hiện nay.
Vấn đề là quỹ đất ở vùng miền núi rất ít khu vực an toàn cho xây dựng công trình dân sinh, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông và rất khó để thu xếp đủ quỹ đất để di dân khi giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu.
Vì thế, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sang đất sản xuất để trồng cây ăn trái cần được quy hoạch rõ, tránh tình trạng người dân xâm lấn đất rừng để sản xuất.
* TS Vũ Ngọc Long (nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam):
Hoạt động của con người là nguyên nhân chính
Trước đây chúng ta đã khai thác rừng "quá tay" và sau đó phải có nhiều phương án phục hồi nhưng chưa đúng cách, mảng xanh rừng tăng lên nhưng thật sự rừng được trồng lại không hiệu quả về bóng mát và che phủ nhiều tầng.
Với các rừng trồng cây độc canh thì con người còn phun thuốc diệt cỏ và các cây tạp khác để tăng năng suất, vô tình khiến đất đồi núi bị mất lớp phủ, nước mưa thấm hết vào đất.
Như vậy chỉ cần mưa dai dẳng 3-5 ngày thì sẽ xảy ra sạt lở do nước phá vỡ mối liên kết của đất và đá ở cấu trúc địa hình sườn dốc hay dựng đứng.
Ngoài ra, đất liên kết bền vững phải có sự hài hòa giữa vô cơ (đất đá) và hữu cơ (rễ cây, sinh vật sống trong đất). Khi dùng biện pháp diệt cỏ, cây tạp sẽ làm sinh vật cũng chết theo. Từ đó khiến mối liên kết này càng kém.
Thêm vào đó, việc xây dựng các công trình tại khu vực có nguy cơ sạt lở là rất không nên mà TP Đà Lạt là một điển hình về việc này. Nhà cửa cứ xây dựng trên mé đồi, nhà này dựa vào nhà kia nên khi xảy ra một vụ sạt lở là kéo theo hiệu ứng domino.
Chúng ta có thể xây công trình phụ trợ nhưng liệu có thể xây được bao nhiêu nên tốt nhất là không nên xây dựng công trình ở những nơi như vậy.
Với khu vực Tây Nguyên, chúng ta đã và đang canh tác cây công nghiệp, cây ăn trái rất nhiều. Vào mùa khô hay xảy ra thiếu nước tưới, người dân lại khoan giếng để tìm nước.
Hút nước chỗ này thì dòng nước phải chảy từ nơi khác đến và trong lòng đất sẽ hình thành các khoảng rỗng nên có thể nơi hút không sao nhưng sụp lún lại xảy ra cách đó vài cây số. Điều này tương tự với việc hút cát ngoài sông, ngoài biển nhưng gây sạt lở trong bờ.
Kinh nghiệm từ Trà Leng: quy hoạch dân cư rất quan trọng
Xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là nơi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng vào năm 2020 khiến 22 người thiệt mạng.
Chia sẻ về những bài học trong phòng chống sạt lở từ Trà Leng, ông Phan Quốc Cường - chủ tịch UBND xã Trà Leng - cho hay việc quy hoạch, sắp xếp khu dân cư là điều cần làm đầu tiên. Việc này nhằm hạn chế bà con ở khu vực khe sông, suối, giao nhau những điểm nước chảy lớn, những vùng đồi núi thường xuyên xảy ra động đất.
Bên cạnh đó là khả năng cảnh báo, dự báo sớm ở những vị trí có thể xảy ra sạt lở để người dân tránh và chủ động di dời dân trong mùa mưa bão.
Ngoài ra để ổn định tái định cư nhanh cho bà con sau thiệt hại do thiên tai, câu chuyện chuẩn bị quỹ đất thuận tiện, an toàn là điều cần thiết chứ khi xảy ra sạt lở mới tìm quỹ đất bố trí tái định cư là điều rất khó.
Bên cạnh đó là sự đồng thuận từ người dân, sự vào cuộc quyết liệt từ cấp ủy Đảng, chính quyền, hỗ trợ của nhà hảo tâm.
Hiện nay trong xã có hơn 10 khu dân cư, hơn trăm hộ dân ở những khu vực có nguy cơ bị sạt lở núi cao, lũ quét đã được đưa vào tái định cư xen ghép tại các khu dân cư, đảm bảo an toàn cho dân trong mùa mưa lũ sắp tới.
TP Quảng Ngãi có hai hồ điều hòa lớn với chức năng lưu trữ tạm thời, thoát nước mưa, điều hòa không khí... Nhưng nay nước hồ gây ngập cục bộ vào mùa mưa, mùa nắng thì bốc mùi hôi thối.