10h sáng một ngày chợ phiên sâm Ngọc Linh được tổ chức ở bãi đất bằng phẳng trước đầu vào trung tâm huyện Nam Trà My chật bưng người. Ô tô xịn đậu kín, trong các gian hàng người lui tới, đảo quanh mua sắm.
Củ sâm rừng ở phiên chợ tiền tỉ
Từ nóc Măng Tó, xã Trà Cang (huyện Nam Trà My), ông Hồ Văn Bân và vợ là bà Hồ Thị Bông dậy từ tờ mờ sáng để đi bộ xuống chân núi rồi cưỡi xe máy kịp về trung tâm huyện dự phiên chợ sâm. Không ai chú ý cặp vợ chồng này cho tới khi bà Bông ngồi bệt xuống đất, tay lần mở chiếc túi đựng phía trong có ba cây sâm rừng.
Một người rành sâm lần dò tới quan sát. Khi thấy lá sâm lộ dưới lớp vải, người này luồn tay xuống chiếc túi đỡ cụm sâm lên đưa ngang mặt săm soi và biết chắc rằng ba cây sâm của vợ chồng ông Bân là sâm tự nhiên.
"Sâm rừng vì không được chăm bón, sống lay lắt giữa núi nên củ dài và đốt chi chít. Củ sâm nhìn khắc khổ, lá cũng nhỏ và có lông trên bề mặt, gai chĩa ra quanh vành lá. Màu lá cũng nhạt và có các đốm li ti trắng, loang lổ không đều nhau", người đàn ông nhìn củ sâm và quay qua nói với đám đông.
Sau một lúc săm soi, người đàn ông cất tiếng hỏi vợ chồng ông Bân: "Giá bao nhiêu đấy?". Bà Bông quay qua nhìn chồng. Hai người nói với nhau tiếng dân tộc rồi lắc đầu. "Giá bao nhiêu thì nói để coi mình mua được không", người mua sâm hỏi tiếp. Vẫn là sự im lặng từ cặp vợ chồng Xê Đăng.
Đám đông đứng xem hối thúc: "Người ta hỏi giá thì cứ nói đi, được thì bán không được thì thôi". Ông Bân vẫn ngồi im, mắt không rời mấy gốc sâm. Vợ ông ngồi nhai trầu, mặt căng thẳng.
Dường như sợ đưa ra giá "hớ", ông Bân và vợ kéo miệng túi vải lại, định dời qua chỗ khác. Một cán bộ xã Trà Cang được giao nhiệm vụ ra chợ phiên hỗ trợ bà con bán sâm đứng sau lưng họ, lên tiếng: "Có cán bộ đây, khách hỏi thì mình cứ nói, được thì họ mua không được thì thôi, đừng sợ mất mát gì!".
Sau khi nhận ra cán bộ xã mình, bà Bông ngửa mặt lên nói với người khách đang săm soi củ sâm rừng: "100 triệu đồng". Đám đông nhanh chóng rời đi, chỉ còn vài người ở lại trả giá.
Nghe giá mà lùng bùng lỗ tai
Từ một loài thảo dược ẩn khuất giữa rừng già chẳng ai hay, củ sâm Ngọc Linh đã có hành trình bước ra đại ngàn ngoạn mục, trở thành một trong những quốc bảo Việt Nam và nay thành hàng hiếm dành cho dân có tiền.
Là một trong hai tỉnh sở hữu báu vật trên lảng bảng sương mù đỉnh Ngọc Linh ở độ cao ngàn mét, Quảng Nam từ lâu có chiến lược tổ chức các hội chợ, các sự kiện chuyên đề về sâm Ngọc Linh với sự bảo trợ, kiểm soát của Nhà nước nhằm nâng cao giá trị cây sâm đặc hữu.
Từ vài năm qua, mỗi tháng đều đặn hai ngày đầu tháng, huyện Nam Trà My lại mở chợ sâm, mỗi phiên kéo cả ngàn người khắp nơi đổ về.
Ngoài gian hàng các doanh nghiệp, mỗi xã có sâm được thiết kế gian hàng riêng, bà con bán sâm tự do được chính quyền xã cắt cử cán bộ đi theo để giám sát từ vườn xuống tới trung tâm huyện.
Một đội kiểm soát đầu vào gồm công an, ngành nông nghiệp, khoa học công nghệ cùng các phòng ban cũng được tổ chức để ngăn sâm giả tuồn vào chợ.
Đã đi nhiều phiên chợ sâm nhưng ba củ sâm chỉ bé ngang đốt tay út của vợ chồng ông Bân khiến chúng tôi choáng váng. Ông nói cách đó hai tuần ông đi vào rừng tìm lâm sản phụ và phát hiện khóm sâm rừng nằm khuất dưới thảm mục.
"Chỗ mình phát hiện cách nhà chừng mấy cây số thôi. Nhưng mình đưa cơm, thức ăn, võng ngủ vào rừng đi tìm đến ngày thứ sáu thì thấy. Nó nằm dưới đám lá, mình phải lấy cái dao phát dọn ra mới thấy", ông Bân kể.
Người chơi sâm cho biết vì quá hiếm nên sâm rừng luôn đắt đỏ gấp nhiều lần so với sâm trồng. Ba củ sâm của ông Bân khi cân nặng cả củ lẫn lá chỉ nhỉnh hơn 1 lạng (100 gram) nhưng được hô giá tới 100 triệu đồng.
Cuối buổi trưa, chúng tôi quay lại, thấy ba củ sâm của họ còn nằm trong chiếc túi vải. "Không được 100 triệu đồng thì mình đem về trồng lại để tới phiên chợ sau bán thôi!", ông Bân nói.
9,5 tỉ đồng
Đó là số tiền thu về theo thống kê của UBND huyện Nam Trà My. Kết thúc hai ngày chợ phiên sâm Ngọc Linh đầu tháng 8, đã có 65kg sâm được bán ra.
Gùi sâm Ngọc Linh xuống núi, chạy ô tô về nhà
Chợ phiên sâm Ngọc Linh Quảng Nam có những cuộc ngã giá mà mức chốt mua bán lên tới tiền tỉ, người mới tới lần đầu nghe qua dễ "lùng bùng lỗ tai".
Không chỉ sâm củ, các mặt hàng được chế biến từ sâm như rượu sâm, sâm ngâm mật ong, lá sâm phơi khô... cũng được thiết kế thành hàng hóa bắt mắt mời chào người mua.
Tại phiên chợ đầu tháng 8-2023, giá sâm củ tươi được ấn định với ba mức: 8,5 triệu đồng/lạng dành cho sâm loại 3 (củ nhỏ, hình dạng xấu); 9,5 triệu đồng/lạng đối với sâm loại 2. Loại củ sâm đỉnh nhất giá lên tới 16,5 triệu đồng/lạng. Dù đắt khủng khiếp nhưng các quầy hàng liên tục "nổ đơn".
Nếu như vài năm trước sau mỗi lần ngã giá thì từng bó tiền xanh lè được chồng cao trước mặt người thì nay đa phần được thanh toán bằng mã QR, chuyển khoản ngay tại gian hàng. Dù khác nhau về cách thức thanh toán nhưng các thương vụ mua sâm luôn gay cấn và cho người xem trong mãn nhãn.
Ở chợ sâm, mỗi người dân đi xe máy, ăn mặc lấm lem cõng ba lô đựng một vài cây sâm để tới chợ là một "gian hàng" đặc biệt. Đó là bà con trên núi cao, họ có vườn sâm nhưng không bán đại trà mà chỉ bán một vài gốc để chi tiêu.
Dân ở chợ sâm Nam Trà My nói đừng nhìn bà con bề ngoài mà đánh giá sai lầm. Bởi trên lưng mỗi người khi xuống chợ họ cõng mỗi gốc sâm ít thì chục triệu, có khi ngang một căn nhà, một ô tô.
Tại phiên chợ sâm vừa kết thúc hôm 3-8, một gốc sâm gần 1kg gồm chín nhánh trong một cụm củ đã chốt giá 886 triệu đồng. Chủ nhân của gốc sâm "khủng" này là ông Đinh Hồng Thắng, một người trồng sâm ở xã Trà Linh.
Ông Thắng nhiều lần mang gốc sâm này tới chợ phiên nhưng lần này mới chốt bán. Với giá 886 triệu đồng, gốc sâm có nguồn gốc từ rừng tự nhiên được đựng trong chiếc túi của ông Thắng đủ để mua được một ô tô hoặc cất một căn nhà phố tinh tươm.
So với mức giá được đưa ra tại chợ phiên sâm Ngọc Linh Quảng Nam đầu tháng 8 này, giá sâm đang có chiều hướng đi xuống. Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn nói rằng giá sâm phản ánh cung, cầu của thị trường và do thị trường quyết định chứ không thể đánh giá cao hay thấp.
"Giá thấp hơn trước đây là do hiện tại số lượng vườn sâm đã tăng lên rất nhiều, nguồn cung cũng dồi dào hơn. Để đảm bảo các mặt hàng vào chợ sâm không có hàng giả trà trộn, chúng tôi có lực lượng kiểm soát, ngăn chặn.
Trong phiên chợ tháng 8 có lô hàng của một doanh nghiệp đưa vào chợ nhưng có dấu hiệu nghi ngờ cũng đã được đưa ra ngoài để chờ kết quả phân tích", ông Mẫn nói.
TTO - Trong ba ngày diễn ra lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 4, do huyện Nam Trà My - Quảng Nam tổ chức, phiên chợ sâm đã thu về gần 10 tỉ đồng từ việc bán sâm Ngọc Linh.