"Gây cạnh tranh bất bình đẳng"
Một trong những nội dung mà đoàn giám sát về đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông có đề cập đến là việc xem xét đánh giá để tiếp tục giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa, sử dụng ngân sách nhà nước để đảm bảo vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách giáo dục và đào tạo.
Về điều này, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cũng cho rằng nên có bộ sách giáo khoa cấp quốc gia để đảm bảo không có rủi ro nếu như các đơn vị xã hội hóa gặp khó khăn.
Trong bản giải trình, Chính phủ cho rằng chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã có kết quả tích cực. Sau bốn năm thực hiện, cả nước có 6 nhà xuất bản và 3 tổ chức có đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn sách giáo khoa, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.
"Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa sẽ làm hạn chế xã hội hóa, gây cạnh tranh bất bình đẳng, gây tốn kém cho xã hội", Chính phủ nêu quan điểm.
Theo Chính phủ, giải pháp để hỗ trợ học sinh vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét đề xuất chính sách giảm giá, hỗ trợ không thu tiền sách giáo khoa đối với học sinh thuộc các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Đánh giá về chủ trương thực hiện một chương trình - nhiều sách giáo khoa, Chính phủ cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được điều kiện.
Việc cùng lúc yêu cầu đảm bảo quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có cách tiếp cận khác nhau, sử dụng học liệu khác nhau để hướng dẫn học sinh học tập ở một thời điểm là việc rất khó, đòi hỏi giáo viên phải có nghiệp vụ sư phạm cao, học sinh tự giác học tập và lớp học có sĩ số không quá đông.
Thi tốt nghiệp THPT: Nghiên cứu từ sớm nhưng chưa thể công bố
Nhiều ý kiến đề cập đến khó khăn ở bậc trung học phổ thông (THPT) khi học sinh phải chọn tổ hợp môn học theo định hướng nghề nghiệp tương lai nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố phương thức thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025 (khi khóa học sinh đầu tiên học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ra trường).
Việc này cũng khiến giáo viên lúng túng trong đổi mới cách dạy học, kiểm tra đánh giá.
Đoàn giám sát của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ đánh giá về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, trong đó làm rõ một số vấn đề như: Hiệu quả phân loại học sinh trong tổ chức thi trắc nghiệm, đối sánh kết quả thi và kết quả học tập ở THPT của học sinh, đánh giá chủ trương kỳ thi có hai mục tiêu xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả xét tuyển đại học…
Về nội dung trên, Chính phủ cho biết sau khi ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất sớm các phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng đánh giá năng lực, phẩm chất cần thiết với người học, đổi mới phương thức thi để giảm áp lực, tốn kém cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực.
Trong quá trình nghiên cứu, Chính phủ chỉ đạo chủ động tiếp nhận, ứng dụng thành tựu và kinh nghiệm tốt của quốc tế vào đổi mới thi tốt nghiệp THPT, kế thừa kết quả đã thực hiện và phối hợp với lộ trình đổi mới đánh giá quá trình học tập của học sinh THPT.
Dự kiến đầu năm học 2023-2024 sẽ ban hành phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025. Dự thảo phương thức thi đang được hoàn thiện theo hướng đảm bảo tính đồng bộ, tin cậy để có thể khai thác, sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Phương thức thi chung đề, chung đợt đối với cả môn học bắt buộc và môn học lựa chọn trên phạm vi rộng và cho học sinh tự quyết định lựa chọn môn học để dự thi tốt nghiệp THPT, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với các phương thức lựa chọn các môn học của học sinh ở bậc THPT.
Nhiều nội dung khác liên quan tới yêu cầu của đoàn giám sát, ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội được đề cập trong báo cáo giải trình trên.
Thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa là một chủ trương lớn trong cuộc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cũng đã được quy định trong Luật Giáo dục.