Thành tựu này mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt mở ra cơ hội sống cho trẻ em bị dị tật tim
Sự sống của thai nhi đặt ra một bài toán hóc búa cho các bác sĩ, là "phép thử" cho các chuyên ngành sản, sơ sinh, tim mạch.
Bởi như giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đánh giá, can thiệp tim mạch trong bào thai là một kỹ thuật sâu nhất, khó khăn và phức tạp nhất khi trái tim thai nhi rất nhỏ. Ở Việt Nam chưa từng làm, trên thế giới cũng chỉ vài nước có trình độ y khoa tiên tiến dám làm.
Khi mọi thứ đều chưa có tiền lệ, niềm tin là thứ quý giá nhất để gia đình và các y bác sĩ quyết tâm can thiệp. Và niềm tin ấy cuối cùng đã mang đến sự sống.
Từ trái tim dị tật tưởng chừng vô phương cứu chữa, các bác sĩ đã "sửa chữa" trái tim trở về quỹ đạo bình thường. Chỉ mất 40 phút, các bác sĩ đã "giải cứu" thai nhi khỏi các dự báo rất xấu, hoặc tử vong trong bụng mẹ, hoặc tử vong ngay sau sinh. Đó chính là điều kỳ diệu mà y khoa mang đến.
Từ ca can thiệp ngoạn mục này, điểm lại lịch sử y khoa Việt Nam mới thấy xưa nay không thiếu những thành tựu, không chỉ trong khuôn khổ khu vực mà còn vang danh thế giới.
Chẳng hạn như kỹ thuật mổ nội soi u nang ống mật chủ kinh điển, từng được xếp vào một trong 80 phương pháp phẫu thuật nhi khoa xuất sắc nhất thế giới cách đây gần ba thập niên.
Hay như kỹ thuật mổ nội soi hội chứng phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ em mà chúng ta là nước đầu tiên thực hiện trong khu vực.
Chúng ta cũng là nước đầu tiên trên thế giới phẫu thuật nội soi tuyến giáp với đường mổ từ ngực và nách giúp giảm thiểu chi phí, mang lại hiệu quả cao nhất cho người bệnh.
Đặc biệt, sự thành công của các ca mổ tách cặp song sinh dính nhau Việt - Đức năm xưa cho đến ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi gần đây đều là những bài toán thách đố của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới.
Không chỉ vậy, trình độ y khoa của chúng ta đã sớm tiếp cận, ứng dụng công nghệ robot vào mổ u não, ghép tạng xuyên quốc gia, ung thư và tạo ra thương hiệu với các đường mổ được mệnh danh "đẹp nhất thế giới".
Ngày nay, chúng ta còn có lợi thế ở một số chuyên ngành đang có "chỗ đứng" trên bản đồ y khoa thế giới như thụ tinh trong ống nghiệm, nội soi và tim mạch. Chúng ta cũng là nơi thu hút các chuyên gia của các nước đến học nghề, góp phần thu hút du lịch y tế.
Thành tựu như thế tại sao Việt Nam chưa trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe chuyên sâu của khu vực ASEAN? Chắc chắn chúng ta cần nhiều hơn các thành tựu như ca thông van tim trong bào thai mà Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 vừa thực hiện.
Cần sự tiệm cận sâu hơn trong đầu tư cả về công nghệ lẫn kỹ thuật so với các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt cần phải có được nguồn nhân lực chuyên sâu, đảm bảo trong tay họ có đủ các loại "vũ khí" hiện đại để đương đầu với các loại bệnh tật nguy hiểm.
Một thai nhi đang ở tuần thứ 32 không may mắc dị tật tim bẩm sinh nặng đã được ê kíp bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) xuyên tử cung người mẹ, thông van tim thành công trong khoảng 40 phút.