6 tháng cuối năm phải tăng trưởng 9%
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, các tổ chức quốc tế đánh giá và dự báo tích cực về tình hình kinh tế VN. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo quy mô GDP (tính theo sức mua tương đương) năm 2026 sẽ đạt 1.872 tỉ USD, đưa VN vượt qua Thái Lan và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Standard Chartered dự báo kinh tế VN sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023 và tăng trưởng 7%.
Tình hình KT-XH tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 6. Nông nghiệp tiếp tục có nhiều điểm sáng, là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Cụ thể, lúa gạo được mùa, được giá; xuất khẩu gạo 7 tháng tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về giá trị. Khách quốc tế tháng 7 đạt hơn 1 triệu lượt người. Đây là tháng có lượng khách quốc tế lớn nhất từ sau mở cửa, tăng 6,5% so tháng trước và gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước...
Tuy nhiên, điều hành chính sách tiền tệ trong nước khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Doanh nghiệp (DN) tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm. Thị trường trái phiếu DN, bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thông tin thêm tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết năm 2022, các cơ quan thuế cả nước đã hoàn trên 150.000 tỉ đồng thuế, với hơn 22.700 quyết định hoàn thuế; 7 tháng năm 2023 đã hoàn cho các DN 70.356 tỉ đồng. Các trường hợp hoàn thuế theo phân loại gần 80% thuộc nhóm hoàn trước kiểm sau. Liên quan việc DN phản ánh việc hoàn thuế chậm do vướng nhiều khó khăn trong quy định, theo ông Chi, sẽ rà soát quy định pháp luật và quy trình triển khai để rút ngắn thời gian.
Về giải pháp cụ thể, ngành thuế đang xây dựng dữ liệu lớn về DN, chủ động sàng lọc các DN rủi ro trước, tức là các DN phải kiểm trước hoàn sau. "Có DN chỉ kinh doanh yến sào, nhưng xuất hóa đơn với doanh thu trên 30.000 tỉ đồng, rõ ràng phải kiểm tra. Nếu hợp pháp thì sẽ hoàn thuế rất nhanh", ông Chi nêu ví dụ. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ nâng cao kỷ cương, xử nghiêm các trường hợp gây khó khăn cho DN, đồng thời cũng kiên quyết xử nghiêm các gian lận hoàn thuế.
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong tháng 8 và những tháng cuối năm, dự báo tình hình sẽ khó khăn hơn, nhiều vấn đề chưa lường hết được, trong đó lưu ý tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp. Từ đó, trọng tâm chỉ đạo, điều hành là ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thủ tướng yêu cầu rà soát lại cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể, phù hợp để tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng. "Chúng ta chưa thay đổi mục tiêu về tăng trưởng, như vậy trong 6 tháng cuối năm, phải đạt tăng trưởng khoảng 9%", Thủ tướng nhấn mạnh.
Khởi công nhà ga sân bay Long Thành trong tháng 8
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu có giải pháp hiệu quả kích cầu tiêu dùng trong nước, phát triển mạnh thị trường trong nước, miễn giảm thuế, phí, lệ phí, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng...
Về đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các dự án hạ tầng trọng điểm, quan trọng, liên vùng; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút, tạo thuận lợi cho đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công - tư . Về xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới. Hỗ trợ DN tận dụng cơ hội các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết mang lại. Thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới, nhất là với các thị trường tiềm năng, lưu ý các thị trường Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin, Bắc Mỹ… Nhanh chóng ký kết FTA với UAE, nỗ lực kết thúc đàm phán trong tháng 8.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân trong bối cảnh lạm phát giảm dần; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn. Phát huy vai trò 26 tổ công tác của Chính phủ làm việc với các địa phương, tập trung xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan, người dân, DN.
Các bộ, ngành, địa phương rà soát, thúc đẩy triển khai chương trình phục hồi và phát triển, phân bổ, điều chỉnh, giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát, thúc đẩy, có báo cáo hằng quý để giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất, 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội và 15.000 tỉ đồng cho ngành sản xuất đồ gỗ, thủy sản theo tinh thần kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt.
Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT khởi công bằng được nhà ga sân bay Long Thành trong tháng 8. Bộ TN-MT hoàn thành việc hướng dẫn định giá đất trước ngày 15.8. Bộ Y tế xử lý dứt điểm vấn đề liên quan các dự án xây dựng Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2...
Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần, thu phí cao tốc đầu tư ngân sách
Tại cuộc họp báo chiều qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay Tập đoàn điện lực VN (EVN) đã đề xuất điều chỉnh tăng giá điện vào các năm 2022, 2023 để đảm bảo dòng tiền, tình hình tài chính. Với biến động thông số đầu vào (chủ yếu là giá nhiên liệu), kết quả tính toán cho thấy giá điện cần điều chỉnh tăng ở mức tương đối cao để đảm bảo dòng tiền cho EVN. "Trong quá trình xem xét đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN năm 2022 cũng như năm 2023, Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến là cần nghiên cứu, điều chỉnh giá điện theo lộ trình từng bước cho phù hợp, tránh điều hành giật cục", ông Hải nhấn mạnh.
Bộ Công thương đã nghiên cứu và trong dự thảo đã đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá bán điện xuống còn 3 tháng/lần. Tuy nhiên, giá điện là mặt hàng "nhạy cảm" tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân cũng như các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nên việc thực hiện điều chỉnh với mức độ, thời điểm… như thế nào phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo việc điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị và KT-XH.
Về việc Bộ GTVT đề xuất thu phí hệ thống cao tốc do nhà nước đầu tư bằng ngân sách, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết sơ bộ đến năm 2025 nhu cầu đầu tư hạ tầng khoảng hơn 900.000 tỉ đồng. Do vậy, khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc, đều là dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu giải pháp để đầu tư xong thu phí và hoàn vốn. "Thu phí như thế nào, chúng tôi đã tính toán lợi ích mang lại khi các phương tiện đi trên cao tốc nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn, đồng thời tính toán mức thu phí đảm bảo chi trả của người dân", ông Huy nói.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, mục đích của nguồn thu này là để nộp ngân sách, phục vụ đầu tư hạ tầng và các nhiệm vụ chi khác của T.Ư.
Ông Nguyễn Cao Trí sẽ nộp lại hơn 40 triệu USD chiếm đoạt từ bà Trương Mỹ Lan
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 chiều 5.8, PV đề nghị làm rõ thông tin liên quan tới ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh, sau khi ông này bị Sở Tư pháp Lâm Đồng ngăn chặn các giao dịch liên quan nhà đất.
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết ngày 15.1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Cao Trí về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 175 bộ luật Hình sự.
Theo báo cáo của cơ quan CSĐT, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Công ty An Đông (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), cơ quan CSĐT phát hiện bà Trương Mỹ Lan có quan hệ làm ăn, đầu tư với ông Trí. Bà Lan đã chuyển cho ông Trí hơn 40 triệu USD để mua bán dự án, kinh doanh. Tuy nhiên, khi bà Lan bị bắt, ông Trí đã chỉ đạo một số nhân viên tiêu hủy toàn bộ giấy tờ, chứng cứ bà Lan chuyển hơn 40 triệu USD với mục đích chiếm toàn bộ số tiền trên. Tại cơ quan điều tra, ông Trí đã nhận tội và sẽ phải nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Cơ quan CSĐT cũng đã kê biên, phong tỏa tài sản của ông Trí để đảm bảo thu hồi tài sản cho vụ án.