Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 7 và 7 tháng đầu năm cho biết nền kinh tế giữ được xu hướng phục hồi, dần lấy lại đà tăng trưởng, tháng sau tích cực hơn tháng trước.
Bên cạnh những kết quả đạt được theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn và nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xu hướng chung toàn cầu. Trong khi đó, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đến mức tới hạn.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy có hơn 113.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sau 7 tháng đầu năm 2023. Trong đó có, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 66.800 doanh nghiệp, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; 36.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,9%; 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%. Bình quân một tháng có 16.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong khi đó, cả nước có có 89.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 834.300 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 588.900 lao động, tăng 0,2% về số doanh nghiệp, giảm 17,1% về vốn đăng ký và giảm 5,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm 2023 đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Hơn 113.000 doanh nghiệp đóng cửa sau 7 tháng đầu năm 2023 (Ảnh minh hoạ)
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, tạo thành tác động cộng hưởng. Phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực, tranh thủ mọi cơ hội để phục hồi nhanh tăng trưởng, thực hiện các giải pháp tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...
Tham mưu những nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng áp lực tăng trưởng là rất lớn nên cần thúc đẩy hơn nữa các động lực về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, doanh nghiệp Nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công) và xuất khẩu.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 vào ngày hôm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trọng tâm chỉ đạo, điều hành trong những tháng cuối năm là ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao đời sống cho nhân dân…
Tại đây, Thủ tướng yêu cầu đặc biệt lưu ý 6 nội dung:
- Bảo đảm cân bằng, hòa hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỉ giá
- Ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy cả tổng cung, tổng cầu, 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng).
- Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả (tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ..., tăng hạn mức tín dụng, cung tiền M2 phù hợp).
- Thực hiện chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát (tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đẩy nhanh hoàn thuế, đẩy mạnh đầu tư công…).
- Bảo đảm an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia, theo dõi sát tình hình bên trong và bên ngoài để có đối sách phù hợp kịp thời.
- Rút ngắn quy trình, thủ tục xây dựng thể chế và văn bản.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể, phù hợp để tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (Tiêu dùng - đầu tư - xuất khẩu).
Về tiêu dùng, có giải pháp hiệu quả kích cầu tiêu dùng trong nước, phát triển mạnh thị trường trong nước, (miễn giảm thuế, phí, lệ phí, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng...). Về đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các dự án hạ tầng trọng điểm, quan trọng, liên vùng… Về xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.29380127060803202-nah-iot-cum-ned-ad-peihgn-hnaod-nahp-ob-tom-auc-gnud-uihc-cus/et-hnik/nv.vtv