Bà Trần Thị Minh Hải, phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thống Nhất (Đồng Nai), cho biết khu xử lý chất thải Quang Trung (xã Quang Trung) có quy mô 130ha, hoạt động từ năm 2009. Đây là khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, công suất 1.200 tấn/ngày.
Tại đây tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp và xử lý bằng phương pháp sản xuất compost. Sau đó, 15% chất trơ còn lại được xử lý chôn lấp hợp vệ sinh.
Các ô chôn lấp rác trơ đều phủ bạc kín. Và hiện nay các ô chôn lấp rác trơ cũng có lót bạt đáy và thu lại nước rỉ rác để xử lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây bãi rác đã quá tải và người dân phản ánh có mùi hôi.
Giải thích nguyên nhân, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thống Nhất cho hay khu xử lý rác thải Quang Trung ban đầu công suất 600 tấn/ngày, xử lý rác thải cho huyện Thống Nhất và TP Long Khánh.
Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai có nghị quyết yêu cầu các địa phương phải đảm bảo tỉ lệ chôn lấp rác trơ dưới 15%. Tuy nhiên, nhiều huyện, thành phố ở tỉnh Đồng Nai không đảm bảo tỉ lệ như yêu cầu.
Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai điều tiết lượng rác từ 6 huyện, thành phố đưa về khu xử lý rác thải Quang Trung để đảm bảo lượng chôn lấp rác trơ dưới 15% theo nghị quyết.
Vì vậy, khu xử lý rác thải Quang Trung ban đầu công suất 600 tấn/ngày, cuối cùng tăng lên 1.200 tấn/ngày xử lý rác cho 8 huyện, thành phố. Điều này dẫn đến quá tải.
Đối với mùi hôi phát sinh từ khu xử lý rác, huyện Thống Nhất cho biết qua giám sát cho thấy các ô chôn lấp rác trơ được chủ đầu tư cho phủ bạt kín, phun xịt, khử mùi.
Tại các ô chôn lấp rác trơ cũng có lót bạt đáy và thu lại nước rỉ rác để xử lý. Mùi hôi chủ yếu phát sinh trong quá trình làm phân compost, xuất hiện mùi vào thời tiết mưa hoặc ẩm ướt.
Huyện cũng đề nghị giảm lượng rác thải sinh hoạt đưa về đây nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư xử lý rác tốt hơn.
Giải thích về việc trên, đại diện Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi - chủ đầu tư khu xử lý rác thải Quang Trung - cho hay so với quy hoạch ban đầu của khu xử lý rác, khối lượng rác tăng gấp 6 lần so với dự án được duyệt lần đầu năm 2009.
Do đó, tiến độ sử dụng các ô chôn lấp hợp vệ sinh để chôn lấp rác trơ sau phân loại tăng nhanh so với kế hoạch hằng năm cũng như tính toán dự án ban đầu.
Cùng với đó, hạ tầng xử lý rác, hệ thống xử lý nước thải của dự án luôn phải vận hành tối đa công suất. Các thiết bị, máy móc, trạm xử lý nước rỉ rác luôn phải hoạt động 24/24 giờ. Hệ thống xử lý tại các ô chôn lấp chất thải trơ không có thời gian ổn định, duy tu, bảo dưỡng.
Theo chủ đầu tư, nếu vẫn giữ công suất tiếp nhận rác như hiện tại, đến cuối năm 2023 khu xử lý rác sẽ không thể tiếp nhận rác thải sinh hoạt của tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh.
Hiện công ty cũng làm thủ tục xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch của khu xử lý nhưng chưa được phê duyệt. Công ty chưa thể thi công ô chôn lấp mới, dẫn đến không có chỗ chôn chất thải trơ.
Về giải pháp, UBND huyện Thống Nhất cho biết do các ô chôn lấp rác trơ ở bãi rác Quang Trung đã gần đầy, nên huyện đã kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các công ty xử lý rác của các huyện, thành phố phải đầu tư công nghệ xử lý rác để tiếp nhận cho địa phương, đảm bảo tỉ lệ chôn lấp rác trơ, vừa giảm tải lượng rác về bãi rác Quang Trung.
Theo UBND huyện, chủ đầu tư đã xin xây dựng thêm 2 ô chôn lấp rác trơ nên huyện đang điều chỉnh quy hoạch, nhưng theo đúng quy định phải mất 4 tháng. Huyện tiếp tục giám sát lượng rác đưa về bãi rác và kiến nghị các giải pháp xử lý để khắc phục mùi hôi phát sinh.
Trong khi đó, một người có trách nhiệm cho hay nhiều bãi rác khác ở các địa phương xử lý chôn rác trơ không đảm bảo dưới 15% như yêu cầu của Hội đồng nhân dân mới dồn về bãi rác Quang Trung.
"Nay bãi rác này quá tải, phải điều tiết lượng rác và hạn chế tiếp nhận rác thì lượng rác ở các địa phương như Biên Hòa, Long Thành… đưa vào nhà máy nào xử lý để đảm bảo tiêu chí của Hội đồng nhân dân?", vị này nói.
TTO - Nước từ bãi rác theo mưa chảy xuống ruộng đồng đen ngòm, bốc mùi hôi thối, người dân đã kéo lên khu chứa và xử lý rác thải Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam để phản ứng.