Trong khi đó, Trung Quốc vừa đưa ra quy định hạn chế người trẻ truy cập vào Internet bằng cách không cho truy cập mạng vào ban đêm và giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử trong ngày với người dưới 18 tuổi. Cha mẹ Việt Nam nghĩ gì về vấn đề này?
Những ngôi nhà mở toang cửa với thiết bị điện tử
Có ba con đang trong độ tuổi dưới 18, chị Nguyễn Thu Hà (TP Thủ Đức, TP.HCM) kể rằng chuyện các con chị vào mạng Internet, dùng thiết bị điện tử là chuyện thường xuyên và gia đình chị không ngại ngần hay ngăn cấm những điều này.
Những ngày hè, các con chị Hà càng thoải mái dùng các thiết bị điện tử như điện thoại, iPad, xem tivi. Bé Mi, con nhỏ nhất năm nay lên lớp 4, vừa thức dậy đã lao ngay xuống phòng khách mở tivi để xem. Tivi của nhà chị Hà sẽ mở cả ngày như vậy và thường là bé Mi sẽ xem tivi ngay cả khi đang ăn sáng hay ăn trưa, trừ giờ bé đi ngủ.
Con lớn và con thứ hai của chị Hà do cũng 13, 15 tuổi rồi nên các bé thường dùng thiết bị điện tử và máy vi tính nhiều hơn xem tivi. Vợ chồng chị Hà cũng không quan tâm con làm gì với thiết bị điện tử nhưng chị cảm thấy "không có vấn đề gì" với điện thoại, iPad vì… cũng có tác dụng tốt đến con chị.
"Có lần, các con còn chê tôi mù mờ vì chẳng biết gì trên thế giới ảo. Các con biết hết trend nọ trend kia, chỗ này đang ăn gì, chơi gì hot, chứ mình ít lên mạng nên nhiều khi các con chê cũng thấy quê lắm. Mà giờ biết mấy thứ đó cũng tốt mà", chị Hà vui vẻ kể.
Chị Hà còn tự hào khi con mình bắt trend nhanh với các trò trên TikTok, YouTube…: "Ra ngoài mà ai hỏi trend gì là tôi gọi ngay cho các con là biết luôn, các con tôi rất nhạy".
Cũng thuộc giới phụ huynh thoáng với việc con cái dùng thiết bị điện tử vào mạng Internet, anh Dũng (một phụ huynh tại quận 7) cho rằng người trẻ cần sớm biết cách sử dụng các loại thiết bị điện tử, mạng xã hội…
"Các con tôi có hầu hết các tài khoản mạng xã hội mà người Việt hay dùng như TikTok, Facebook… Con chưa đủ tuổi quy định tôi cũng cho dùng vì giờ không dùng là lạc hậu đó. Tôi cũng khuyến khích con biết một số loại game. Ngoài giờ học ra con cũng cần giải trí. Mà giờ giải trí thì trên mạng đầy trò, phải vào đó thôi chứ đi đâu nữa", anh Dũng nói.
Ngoài ra, anh Dũng còn đăng ký các khóa học online cho các con qua mạng để hạn chế việc các con phải di chuyển trên đường như học tiếng Anh, học các chương trình Stem…
Với quan niệm đó, anh Dũng không bao giờ kiểm soát việc chơi game, dùng thiết bị điện tử của các con. Các con thoải mái chơi các trò các con thích trên mạng, kết nối bạn bè qua mạng… Vì thế, khi thấy Trung Quốc siết chặt việc này, anh Dũng tỏ ra thờ ơ.
"Việc dạy trẻ, cho trẻ dùng điện thoại, chủ yếu do gia đình cho phép hay không. Tôi thấy mạng xã hội là xu thế của thời đại, không để người trẻ tiếp cận cũng không phải là biện pháp hay", anh Dũng nhận xét.
Những ngôi nhà có kiểm soát thiết bị điện tử
Ngược lại với những phụ huynh mở toang đó, rất nhiều người lại lo lắng về tần suất sử dụng thiết bị điện tử của con cái và họ chọn cách cấm hoặc kiểm soát.
Chị Minh (quận 10) có hai con nhỏ trong độ tuổi THCS, tiểu học, buồn rầu cho biết con chị đã bị cận sau thời gian học online dài ngày thời điểm đại dịch. Theo lời chị Minh, bé B. nhà chị sau khi học online bằng iPad với tần suất học nhiều đã nhìn không rõ và cận thị.
"Giờ tôi mới thấy tác hại ghê gớm của việc cho trẻ dùng thiết bị điện tử. Hồi đó, con tôi mới lớp 3, cháu được nhà trường thông báo học online. Cô giáo thường dạy buổi sáng hoặc mỗi ngày khoảng 4, 5 giờ. Tối con sẽ làm bài tập qua các phần trên mạng. Sau đó, cứ dịch giã học gián đoạn, con tôi lại chuyên cần học theo lời cô, vậy nên mắt cháu bị cận. Tôi cảm thấy đau lòng về việc này lắm", chị Minh cho biết.
Do vậy, thời gian sau này chị kiểm soát chặt việc các con dùng thiết bị điện tử. "Nhà tôi có iPad, máy tính, tivi, điện thoại nhưng các con chỉ được dùng dưới 1 giờ mỗi ngày. Chỉ trừ khi cô giáo ra bài thì phải làm nhưng tôi cũng rất hạn chế việc các con dùng thiết bị điện tử", chị Minh chia sẻ.
Tương tự, chị Hạnh (quận Bình Thạnh) cũng kể rằng các con chị cũng không được dùng thiết bị điện tử, điện thoại nhiều mà theo quy định của gia đình. Mỗi ngày như vậy, hai con của chị sẽ bị giới hạn thời gian xem tivi, dùng điện thoại và các loại thiết bị điện tử dưới 2 giờ.
Chưa kể, các con của chị Hạnh cũng chỉ được xem những kênh, chương trình hoặc các loại mạng xã hội mà cha mẹ cho phép. "Tôi rất kỹ trong vấn đề này. Xem gì, nghe gì, chơi gì… sẽ ảnh hưởng đến văn hóa, tinh thần của con, còn dùng thiết bị điện tử nhiều các con dễ bị nghiện, bị các vấn đề khác về sức khỏe nên tôi cũng giữ các con kỹ lắm", chị Hạnh phân trần về việc chị khắt khe trong vấn đề này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, những phụ huynh như chị Minh, chị Hạnh lại cảm thấy việc các cơ quan chức năng tham gia vào việc kiểm soát thời gian dùng thiết bị điện tử là cần thiết.
"Tôi mong nước mình cũng có những quy định để hạn chế những tác động xấu của thiết bị điện tử lên sức khỏe học sinh. Nói thật, do gia đình không cho phép các con dùng thiết bị điện tử nên con tôi cũng không thích gì thiết bị này. Nhưng khi chơi với bạn bè, đến những nơi công cộng, trẻ con cứ dán mắt vào điện thoại, con tôi thành thử cũng như ở thế giới khác lạc vào".
Có quy định, gia đình dễ "siết" đối với trẻ hơn?
Bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Kim Dung - chủ tịch hội đồng khoa học, Viện khoa học giáo dục Nam Việt - cho rằng năng lực tự nhận thức, tự quản lý bản thân, biết điểm dừng thì không phải là thế mạnh của trẻ.
"Tôi cho rằng hầu hết các gia đình trên thế giới đều lo lắng là việc lạm dụng thiết bị điện tử của trẻ. Đáng nói, ở thời đại số hiện nay cả người lớn chúng ta cũng có nhu cầu tiếp cận với thế giới thông qua thiết bị di động nên một mặt nào đó chúng ta phải chấp nhận thực tế này. Do đó, việc giáo dục trẻ cũng cần tùy thuộc vào độ tuổi", TS Dung nói.
Ở bậc tiểu học, nhiều gia đình chọn cách không cho con tiếp cận với thiết bị điện tử hoặc kiểm soát gắt gao việc dùng thiết bị điện tử và Internet. TS Dung cũng đồng tình với cách tiếp cận này vì những ảnh hưởng của thiết bị điện tử và Internet lên trẻ tiểu học là điều đáng lo ngại.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Kim Dung, ở lứa tuổi từ THCS trở lên, người lớn cần lưu ý người lớn càng cấm thì trẻ càng có nhu cầu đó. Cho nên, cần có những quy định (tạm gọi là thỏa thuận) của nhà trường với trẻ, của cha mẹ với trẻ hoặc sự can thiệp của nhà nước. Điều đó có nghĩa là người lớn không cấm hoàn toàn nhưng cần có quy định như vậy.
Cũng theo TS Nguyễn Kim Dung, việc kiểm soát thiết bị hoặc mạng Internet phải đi kèm với những hành động khác mới có tác dụng lên trẻ. Đó là, về lâu dài chúng ta phải giúp cho trẻ nhận ra được việc tiếp xúc lâu dài với thiết bị di động là không tốt. Tiếp theo là người lớn phải có sự hỗ trợ các hoạt động ở thế giới thực với những màu sắc như thể dục thể thao, sinh hoạt đoàn đội, học tập, sinh hoạt cộng đồng xã hội… để thế giới thực hấp dẫn hơn.
Những ảnh hưởng của sử dụng thiết bị điện tử lên sức khỏe trẻ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng (ảnh) - trưởng khoa y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM - cho rằng lợi ích của sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin hay gửi nhận tin là rõ ràng nhưng cũng có những tác động xấu lên sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
Đó là việc tham gia các trò chơi trực tuyến làm giảm thời gian của trẻ tham gia hoạt động vận động, có thể hình thành thói quen vừa ăn uống vừa chơi nên gia tăng nguy cơ béo phì.
Việc sử dụng màn hình máy tính trong thời gian dài và tư thế không phù hợp có thể gây các chứng cận thị, khô mắt, gù vẹo cột sống, hội chứng cổ tay...
Các ảnh hưởng lên tinh thần bao gồm cạnh tranh thời gian cho việc học tập và sự tập trung học tập. Nhiều thực nghiệm cho thấy trẻ tham gia các trò chơi điện tử cuốn hút ngay sau khi học bài sẽ nhớ ít hơn từ bài học so với trẻ không chơi trò chơi sau đó.
Nhưng có lẽ điều quan ngại nhất của trò chơi trực tuyến là khả năng gây rối loạn sử dụng (hay còn gọi là nghiện game Internet).
Khi trẻ bị rối loạn sử dụng (trò chơi trực tuyến), trẻ sẽ không kiểm soát được thời gian chơi dẫn đến mất nhiều thời gian cho việc chơi trò chơi; đam mê việc chơi trò chơi ảnh hưởng đến nhiệm vụ học tập; trẻ lúc nào cũng thèm khát việc chơi trò chơi trực tuyến và biểu hiện giận dữ nếu không được thỏa mãn việc thèm khát này.
Đương nhiên không phải trẻ nào chơi trò chơi cũng bị rối loạn sử dụng. Tỉ lệ rối loạn sử dụng thay đổi từ 1% đến 19% trong số trẻ có chơi trò chơi trực tuyến nhưng thời gian chơi kéo dài, đặc biệt ở trẻ ít có cơ hội giao tiếp trong gia đình, trẻ ít có khả năng ứng phó với stress hoặc có tính xốc nổi sẽ dễ bị rối loạn sử dụng hơn.
Việc giới hạn thời gian thanh thiếu niên tham gia các hoạt động trực tuyến, đặc biệt vào buổi tối là rất hợp lý vì chơi trò chơi trực tuyến hay tham gia mạng trực tuyến xã hội trong thời gian kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và gây rối loạn sử dụng.
Theo tờ Korea Herald, phần lớn những người mắc hội chứng sợ nghe điện thoại là những người trẻ trong độ tuổi 20 - 30.