Chị tôi hiện đang cư ngụ tại Mỹ, đã có quốc tịch Mỹ và lập gia đình với một người Mỹ.
Khi còn ở Việt Nam, chị tôi được mẹ cho một căn nhà, đã được sang tên đứng tên trên sổ hồng là tên của chị (tài sản trước hôn nhân).
Xin hỏi trường hợp chị tôi nếu chết trước người chồng Mỹ này, tài sản là căn nhà chị tôi đang đứng tên ở Việt Nam có thuộc về người chồng Mỹ của chị không?
Người này có quyền yêu cầu gia đình tôi phải chuyển nhượng căn nhà mà chị tôi đứng tên trước khi lấy chồng không? (Hiện tại, mẹ tôi vẫn còn sống và đang ở với gia đình tôi tại Việt Nam).
Một bạn đọc gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.
- Luật sư Trần Minh Hùng trả lời:
Theo quy định pháp luật, nhà và đất trên được sang tên cho chị bạn trước khi lấy chồng nên đây được xem là tài sản riêng của chị bạn.
Điều 680 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Vì tài sản thừa kế trong trường hợp này là nhà và đất tại Việt Nam nên việc thừa kế phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo pháp luật Việt Nam, người Mỹ có quốc tịch Mỹ được xếp vào đối tượng là người nước ngoài. Theo quy định của Luật Đất đai thì người nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam.
Luật Đất đai quy định trong trường hợp người nhận thừa kế là người nước ngoài, không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với đất thì người nhận thừa kế sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, mà chỉ được hưởng phần giá trị tương đương với phần tài sản thừa kế được hưởng.
Khoản 3 điều 186 Luật Đất đai quy định trong trường hợp tất cả người nhận thừa kế đều là người nước ngoài thì người nhận thừa kế sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất được thừa kế theo quy định pháp luật.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Nếu chị bạn chết trước chồng người Mỹ thì người Mỹ này sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chị bạn và sẽ được hưởng di sản thừa kế đối với nhà và đất theo quy định tại điều 678 Bộ luật Dân sự 2015:
1. Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này.
2. Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, trong trường hợp này, khi chị bạn chết trước thì chồng người Mỹ sẽ chỉ được hưởng phần giá trị tương đương với tài sản thừa kế được hưởng và hoàn toàn không được nhận chuyển nhượng đối với nhà và đất nêu trên.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Nhà tôi do cha mẹ để lại, tôi là người đại diện thừa kế khai nhận. Gần đây, vợ của người em (đã mất sau mẹ tôi) gửi đơn kiện đòi phần thừa kế của em tôi.