Chiều 6-8, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết các năm qua đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng đến hẹn lại lên, sát thềm năm học mới lại đau đầu với bài toán thiếu giáo viên.
Thiếu giáo viên nhưng không tuyển được
Mùa khai giảng năm học trước, tỉnh Đắk Nông thiếu gần 1.000 giáo viên, khiến một số nơi phải khai giảng trễ. Địa phương đã dùng nhiều biện pháp như dồn lớp, dạy tăng giờ để đảm bảo việc học của học sinh.
Tuy nhiên đầu năm học 2023 - 2024 này, Đắk Nông tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh còn thiếu 1.027 giáo viên, nhân viên. Trong đó số giáo viên thiếu là 606 người, số nhân viên thiếu là 421 người.
Điều đáng ngại, theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - là trong khi giáo viên thiếu nhưng hằng năm vẫn phải tinh giản biên chế.
Đáng buồn hơn, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, tỉnh đã giao hàng trăm chỉ tiêu cho ngành giáo dục nhưng… không tuyển dụng được.
Bà Hạnh cho rằng việc thiếu giáo viên tại Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung là do thực trạng tăng dân số cơ học quá nhanh thời gian qua ở tỉnh này, do tình trạng di dân tự do.
"Đã không đủ giáo viên để bố trí, còn bị cắt giảm 10% chỉ tiêu hằng năm khiến địa phương rất khó khăn. Tỉnh thiếu hơn 600 biên chế để choàng gánh công việc hiện tại, nhưng năm qua trung ương chỉ cho 115 chỉ tiêu, không đủ để bố trí" - bà Hạnh nêu.
Tại Đắk Lắk, tình trạng thiếu giáo viên ở các nơi, nhất là vùng sâu vùng xa, cũng khiến ngành giáo dục đau đầu. Ông Phạm Đăng Khoa - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk - cho biết năm học 2023 - 2024, theo đề án tinh giản biên chế, sẽ có hơn 620 giáo viên phải nghỉ.
Trong khi đó, chỉ tiêu bổ sung năm 2022 là 272 biên chế, so với số tinh giản chỉ bù được 40%. Số giáo viên, nhân viên để đáp ứng theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, toàn tỉnh hiện còn thiếu gần 1.200 người.
Dồn lớp, sáp nhập trường để gỡ khó
Theo ông Khoa, để đảm bảo việc dạy tạm thời, ngành giáo dục cũng đã có kế hoạch gỡ khó bài toán thiếu giáo viên. Theo đó, sở này tiếp tục thực hiện sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có quy mô nhỏ.
Bên cạnh đó, sở đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk bổ sung chỉ tiêu số lượng hợp đồng lao động giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập.
"Hiện nay tỉnh, ngành kêu gọi các địa phương, doanh nghiệp quan tâm thực hiện xã hội hóa giáo dục để giảm tải gánh nặng thiếu biên chế", ông Khoa nói.
Để gỡ khó, tỉnh Đắk Nông cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ biên chế, như cử các nhân viên văn thư, kế toán đi học nghiệp vụ sư phạm để về giảng dạy. Mới đây, Tỉnh ủy Đắk Nông giao UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, nghiên cứu, tham mưu xây dựng nghị quyết để có thêm biên chế cho ngành giáo dục, y tế.
"Cùng với những giải pháp khắc phục trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông báo cáo trung ương xem xét không cắt giảm số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của tỉnh Đắk Nông năm 2022 và các năm tiếp theo" - ông Nguyễn Văn Toàn, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông, cho biết.
Phú Yên xin 1.501 biên chế giáo viên
Ngày 6-8, ông Trần Khắc Lễ - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên - cho hay dù năm học vừa qua các địa phương ở tỉnh này đã tổ chức thi, xét tuyển khoảng 1.000 giáo viên, nhưng so với nhu cầu của năm học 2023 - 2024, tỉnh còn thiếu 1.501 biên chế.
"Chúng tôi đã gởi công văn đến Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đề xuất bổ sung 1.501 biên chế giáo viên các cấp học cho tỉnh trong năm học 2023 - 2024" - ông Lễ nói.
Trong số biên chế giáo viên đề xuất bổ sung nêu trên, Phú Yên có nhu cầu 751 giáo viên bậc mầm non, 472 giáo viên bậc tiểu học, 26 giáo viên THCS và 252 giáo viên THPT.
Ông Lễ nói nếu không bổ sung lượng giáo viên trên thì học sinh mầm non độ tuổi 3-4 ở Phú Yên không ra lớp được, còn học sinh tiểu học khó có thể tổ chức học bán trú theo lộ trình; riêng giáo viên bậc THCS, bậc THPT có thể "liệu cơm gắp mắm", điều chuyển nội bộ… để đảm đương công tác giảng dạy.
Tình trạng thiếu giáo viên các cấp học từ mầm non đến phổ thông công lập diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong khi việc tuyển dụng mới rất khó khăn, số giáo viên nghỉ việc liên tục tăng.