Đây là khẳng định của ông Nguyễn Quang Vinh - nguyên quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - khi chia sẻ với Tuổi Trẻ Online xung quanh ồn ào liên quan hoa hậu Ý Nhi những ngày qua. Nhà văn, biên kịch Nguyễn Anh Vũ và không ít người cũng có chung quan điểm.
Tuổi Trẻ Online ghi nhận một số ý kiến.
Ông Nguyễn Quang Vinh: Hoa hậu chỉ là người đẹp nhất trong một cuộc thi của doanh nghiệp
Quan sát dư luận những ngày qua về hoa hậu Ý Nhi thì thấy hình như chúng ta đang quá nhàn rỗi nên mới dành nhiều thời gian vào việc "ù cà rà" mà lẽ ra chỉ nên coi đó là chuyện hết sức bình thường.
Hoa hậu, hoa khôi hay người đẹp cũng là danh hiệu được một ban giám khảo lựa chọn trong số vài chục thí sinh tham dự cuộc thi dưới một cái tên nào đó do một doanh nghiệp tư nhân nào đó đứng ra tổ chức tại một địa phương nào đó.
Không phải nhà nước hay một tổ chức do nhà nước ủy thác đứng ra tổ chức để tìm kiếm một người con gái đẹp nhất đại diện cho phụ nữ Việt Nam hay cho một địa phương nào, một nhóm hội nào. Trên thế giới cũng vậy.
Cuộc thi nào cũng có người đẹp nhất, nhì, ba. Nhưng cần nhớ rằng họ chỉ đẹp nhất của cuộc thi đó tại thời điểm đó thôi.
Đa số những người đẹp của mỗi cuộc thi đều biết tận dụng cơ hội, khai thác khả năng cá nhân một cách tích cực để tỏa sáng thông qua các hoạt động xã hội, họ làm nhiều việc tốt cho bản thân và xã hội được cộng đồng tin yêu, tôn trọng.
Nếu có hoa hậu nào đó sau đăng quang lại có những bộc lộ kiểu "ây zà" thì cũng là số ít, ta hãy nhẹ nhàng coi đó là sự cố mà lĩnh vực nào cũng có.
Nếu họ có phát ngôn "ấn tượng" nào thì cũng vì nhiều lý do khác nhau như do bận rộn thiếu kỹ lưỡng hoặc chưa được học hành đầy đủ trước khi được ban giám khảo lựa chọn thôi.
Xã hội hiện nay có biết bao cuộc thi, đồng nghĩa có biết bao hoa hậu. Đâu ai bắt họ phải là đại diện hay thay mặt cho phụ nữ Việt Nam ra thế giới đâu. Tại sao công chúng cứ mặc định những trách nhiệm nặng nề cho họ rồi kỳ vọng quá nhiều và lại làm tổn thương họ?
Mọi người nên hiểu đúng hơn về hoạt động thi hoa hậu. Đó chỉ là một hoạt động giải trí như tất cả các chương trình giải trí khác trong xã hội, ai thấy phù hợp thì đến và không phù hợp thì từ chối.
Quyền lớn nhất mà công chúng có thể sử dụng đó là quyền lựa chọn những sản phẩm giải trí phù hợp với sở thích của bản thân. Hãy tắt ti vi, không nghe, không xem và không phát tán những gì mình không thích. Đó chính là cách để giữ cho cuộc sống của mình bớt những căng thẳng không đáng.
Nhiều người hiện nay than phiền về việc quá nhiều cuộc thi hoa hậu nhưng số người thích xem, đọc về hoa hậu rất đông. Nếu người dân không quan tâm thì các cuộc thi hoa hậu làm gì có đất sống, làm gì có bùng nổ hoa hậu.
Tôi nghĩ truyền hình, báo đài cũng nên ít đưa tin, bàn luận về hoa hậu. Người dân có nhiều điều khác cần quan tâm hơn là chuyện mấy cô người đẹp.
Nhà văn, biên kịch Nguyễn Anh Vũ: Việt Nam có lực lượng người hâm mộ sắc đẹp quyền lực hàng đầu thế giới
Trên thế giới, tại những quốc gia ít phát triển thường có nhiều cộng đồng rất quan tâm đến hoa hậu và thi hoa hậu.
Việt Nam cũng nằm trong nhóm đó quốc gia đó, thậm chí có một lực lượng người hâm mộ sắc đẹp quyền lực hàng đầu thế giới. Họ có thể đưa một người đẹp Việt Nam dự thi sắc đẹp quốc tế bước vào top chung kết vì lá phiếu bình chọn của mình.
Ngược lại, hoa hậu cũng có sức ảnh hưởng quá lớn đến cộng đồng. Họ trở thành người của công chúng và phải có trách nhiệm lớn với điều đó.
Đây quả là một mảnh đất màu mỡ để nhiều công ty, nhà đầu tư muốn khai thác. Rất nhiều công ty kinh doanh lĩnh vực hoa hậu ra đời. Và họ làm là để kinh doanh cho ra lợi nhuận.
Tính thị trường đã làm bản chất, tiêu chí các cuộc thi hoa hậu thay đổi, không còn như trước đây. Các hoa hậu được chọn phần nhiều bị ảnh hưởng bởi "gu" của các thương hiệu lớn, các nhà tài trợ lớn mà công ty "làm hoa hậu" ấy nhắm tới.
Các cuộc thi sắc đẹp dù vẫn hướng về những điều tốt đẹp nhất, nhưng tính thị trường sẽ chi phối tất cả.
Thị trường cần những gương mặt đẹp, những danh xưng hoa hậu để làm quảng cáo truyền thông. Nên không có gì lạ khi mỗi năm Việt Nam cho ra đời vài chục cô hoa hậu và gấp đôi số lượng á hậu.
Trong một môi trường xã hội như vậy, nhiều người trẻ lập tức hiểu rằng nhan sắc có thể kiếm tiền nhiều và nhanh. Và họ đã đầu tư cho việc làm đẹp rất nhiều.
Vì vậy giờ đây các hoa hậu không còn là những nhan sắc, phẩm cách, tâm hồn đại diện cho quốc gia hay vùng lãnh thổ nào của Việt Nam.
Trong khi đó người hâm mộ lại đòi hỏi hoa hậu vẫn phải là đại diện đỉnh cao của hình ảnh sắc đẹp, phẩm giá như xưa. Họ dùng quyền lực trong tay mình buộc mọi thứ phải được như kỳ vọng và hơn thế nữa.
Nếu không được chuẩn bị, rèn luyện rất kỹ lưỡng thì không cô gái mười tám đôi mươi nào có thể đối phó được với kỳ vọng ấy của công chúng.
Ngoài ra, hoa hậu cũng là đề tài béo bở của giới truyền thông mạng. Sức mạnh của truyền thông cộng hưởng với "quyền lực" của cộng đồng mạng nhiều khi đẩy các vấn đề trở nên quá cực đoan. Họ trở thành những con người bất nhẫn, thiếu bao dung.
Các chuyên gia nhận định vụ việc hoa hậu Ý Nhi và phong trào "anti-fandom" (chỉ nhóm người, cộng đồng không thích, thậm chí ghét một đối tượng) là ví dụ điển hình về tầm quan trọng của việc xây dựng danh tiếng và văn hóa ứng xử trên mạng.