Kể từ sau đại dịch và những biến động tiếp theo với kinh tế toàn cầu như lạm phát và tắc chuỗi cung ứng, những biện pháp cải cách nền kinh tế hoặc những mô hình mới nhằm giảm thiểu rủi ro, hướng tới sự bền vững đang ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm.
Một trong số những nỗ lực là bức thư ngỏ từ hơn 1.000 nhà khoa học trên toàn cầu kiến nghị các quốc gia xem xét mô hình kinh tế mới, với cái tên Degrowth (phi tăng trưởng).
Theo những chuyên gia ủng hộ, "phi tăng trưởng" không nhằm chống lại tăng trưởng kinh tế nói chung, mà bản chất của tăng trưởng như thế nào, có tính bền vững và phục vụ cho đa số người dân hay không mới là điều mô hình này quan tâm.
Đặc trưng của mô hình "phi tăng trưởng"
Từ khi bắt đầu được đề cập đến trong khoảng 1 thế kỷ qua, khái niệm "phi tăng trưởng" thường bị chỉ trích là nhằm chống lại các hoạt động kinh tế, hay đòi quay về lối sống trước thời hiện đại. Tuy nhiên theo các chuyên gia, mô hình này thực chất muốn đề cập kỹ hơn tới chất lượng của tăng trưởng kinh tế.
"Cụm từ này có vẻ tiêu cực, nhưng thực ra mấu chốt của nó là tiết kiệm tài nguyên đầu vào của hoạt động kinh tế", Giáo sư Juliet Schor, chuyên gia kinh tế và xã hội học, Đại học Boston, cho biết.
Mô hình "phi tăng trưởng" khuyến khích cắt giảm hoặc cải tiến các ngành mang tính kém bền vững, như sản xuất ô tô xăng, thời trang nhanh, hay sản xuất thịt và trứng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Quan điểm của những người ủng hộ khái niệm này dựa trên cơ sở là các thước đo về tăng trưởng kinh tế, như tổng sản phẩm quốc nội GDP, thường không đề cập tới những vấn đề như ảnh hưởng tới môi trường, cũng như mức độ hạnh phúc của người dân. Bên cạnh đó, những hoạt động tiêu thụ nguyên nhiên liệu quá cao cũng ảnh hưởng tới quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
"Hiện chúng ta đang sản xuất nhiều năng lượng tái tạo, nhưng chúng đều bị tiêu thụ hết cho các nhu cầu năng lượng tăng cao. Nếu nền kinh tế sử dụng bớt tốn kém năng lượng hơn, thì quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cũng sẽ dễ dàng hơn", Tiến sĩ Jason Hickel, Viện nghiên cứu Bất bình đẳng Quốc tế, Trường Kinh tế London (LSE), nhận định.
Mô hình "phi tăng trưởng" khuyến khích cắt giảm hoặc cải tiến các ngành mang tính kém bền vững, như sản xuất ô tô xăng, thời trang nhanh, hay sản xuất thịt và trứng.
Về phía tiêu dùng, mô hình này cũng hướng tới việc mua bán các sản phẩm ít ảnh hưởng tới môi trường như ô tô điện, quần áo từ vật liệu tái chế. Những mặt hàng như điện thoại, máy giặt, tủ lạnh… cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững, có tuổi thọ cao, dễ dàng sửa chữa và tái chế.
Thế giới hiện vẫn đang tiêu thụ một lượng tài nguyên khổng lồ. Nếu mỗi người dân toàn cầu dùng lượng tài nguyên bình quân ngang với một người dân Mỹ, sẽ phải cần tới 5 Trái đất để đáp ứng đủ tài nguyên cho cả nhân loại. Đó là bài toán mà xu thế "phi tăng trưởng" muốn giải đáp: sản xuất và tiêu dùng ở một mức độ vừa đủ, nhưng có tính bền vững và thân thiện với môi trường.
Ảnh hưởng của "phi tăng trưởng" trong nền kinh tế
"Phi tăng trưởng" nhằm thay đổi tư duy tăng trưởng bằng mọi giá, gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường cũng như chính người dân.
Hiện nhiều quốc gia và các tổ chức kinh tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang đưa ra các nghiên cứu về mô hình "phi tăng trưởng". Trong nhiều lĩnh vực kinh tế, cũng đã có những xu hướng và biện pháp chịu ảnh hưởng từ mô hình này xuất hiện.
Từ vài năm qua, khái niệm "Quyền được sửa chữa", hướng tới việc hỗ trợ người tiêu dùng kéo dài vòng đời sử dụng của sản phẩm thông qua sữa chữa, thay thế linh kiện đã có sức hút rất lớn tại Mỹ.
Hồi tháng 9, California là tiểu bang thứ 3 ra quy định bảo vệ quyền này, buộc các nhà sản xuất kéo dài thời hạn bảo hành cũng như có đủ linh kiện và hướng dẫn sửa chữa cho khách hàng lên tới 7 năm. Quy định này áp dụng với nhiều mặt hàng khác nhau như đồ điện gia dụng và cả thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính.
Ngành công nghệ cũng đang nỗ lực trong việc cải thiện vòng đời sản phẩm trong bối cảnh các quy định trên toàn cầu ngày càng siết chặt. Từ năm tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng tiêu chuẩn cổng sạc chung USB type C cho mọi thiết bị điện tử, nhằm cho phép người dùng dễ dàng tái sử dụng dây và cục sạc cũ, giảm thiểu lượng rác thải điện tử.
"Chỉ với một quy định này, chúng ta sẽ giảm được tới 1.000 tấn rác thải điện tử tại châu Âu mỗi năm, cùng hơn 2.000 tấn vật liệu thô", ông Thierry Breton, Ủy viên EC phụ trách thị trường nội khối, cho hay.
Chính quy định này đã buộc ông lớn công nghệ Apple phải thay đổi cổng sạc theo tiêu chuẩn mới trên điện thoại cao cấp iPhone 15 vừa ra mắt.
Một lĩnh vực khác cũng chứng kiến nhiều thay đổi là ngành thời trang. Những khảo sát thị trường từ sau đại dịch cho thấy, các mặt hàng thời trang nhanh bắt đầu có dấu hiệu giảm sức hút với người tiêu dùng.
Ở chiều ngược lại, một nghiên cứu hồi giữa năm nay ước tính: lĩnh vực mua bán trang phục cũ, sửa chữa và cho thuê mặt hàng quần áo đã đạt giá trị lên tới 73 tỷ USD, cho thấy người tiêu dùng đang dần hướng sang xu thế thời trang bền vũng hơn. Ngành thời trang nhanh cũng được dự báo sẽ chịu tác động từ tiêu chuẩn mới của EU về tuổi thọ và tái chế đồ thời trang, sẽ có hiệu lực từ năm 2030.
Dù được cho là có nhiều tiềm năng, mô hình "phi tăng trưởng" hiện vẫn chỉ là các đề xuất, đang được giới chuyên gia và quản lý toàn cầu thảo luận kỹ lưỡng.
Không chỉ những mặt tích cực, liệu mô hình này có thể tác động tiêu cực lên hoạt động kinh tế ra sao, hay các quốc gia phải có nguồn lực như thế nào để theo đuổi mô hình này, đây vẫn sẽ là bài toán cần nghiên cứu kỹ lưỡng trong vài năm tới.
VTV.vn - Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế mới công bố hôm qua nhận định: Kinh tế thế giới trong năm tới vẫn đối mặt với thách thức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.66562803131013202-hcid-iad-uah-gnourt-gnat-ihp-hnih-om-ihgn-neik/et-hnik/nv.vtv