vĐồng tin tức tài chính 365

Tổ chức concert - ngành kinh tế tiềm năng cho Việt Nam

2023-08-07 03:13

Thanh Ngân (21 tuổi, ở TP HCM) đã có chuyến du lịch kết hợp gặp thần tượng vào cuối tháng 7 vừa qua tại Hà Nội. Lần này, ngoài 7,8 triệu đồng tiền vé tham dự concert Blackpink và gần 4 triệu đồng vé máy bay, Ngân mang theo 5 triệu đồng để cùng 6 người bạn viếng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhà tù Hỏa Lò, "foodtour" quanh khu phố cổ, check-in phố đi bộ và cùng nhau thăm Lăng Bác.

Ở Thái Lan, Pete Pitipon (27 tuổi, nhân viên thiết kế tour du lịch) vẫn quyết đặt vé máy bay xuất phát từ Bangkok để gặp thần tượng. Chưa tính giá vé hai ngày tham gia concert, chàng trai này đã chi gần 15 triệu đồng cho ba ngày sau đó để đi khắp các phố phường Hà Nội và có một chuyến du lịch ngắn tại Ninh Bình.

Thanh Ngân và Pete Pitipon là hai trong số 70.000 người tham gia concert Blackpink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, theo số liệu từ Sở Du lịch Hà Nội. Trong đó, 3.000 khách đến từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc đại lục, Canada, Hong Kong (Trung Quốc), Australia, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Philippines.

Cũng trong hai ngày này, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 170.000 lượt, mang đến doanh thu khoảng 630 tỷ đồng. Trong đó khách quốc tế hơn 30.000 lượt, với gần 22.000 người có lưu trú. Các khách sạn, địa điểm nổi tiếng hay dịch vụ tham quan thành phố bằng xe buýt hai tầng đều ghi nhận lượng khách tăng hai chữ số.

Blackpink trong concert ở Hà Nội, tháng 7/2023. Ảnh: IME

Blackpink trong concert ở Hà Nội, tháng 7/2023. Ảnh: IME

Những số liệu trên cho thấy, thành công của hai đêm diễn gợi ra nhiều tiềm năng đến từ ngành tổ chức concert tại Việt Nam.

Trước mắt có thể nhìn rõ nguồn thu trực tiếp từ bán vé. Thông thường, doanh thu bán vé của một concert sẽ được chia theo tỷ lệ như sau. Khoảng 15% dùng để đóng thuế, nộp tiền bản quyền nhạc và chia lợi nhuận cho đơn vị phân phối vé nội địa. Phần còn lại của doanh thu bán vé sẽ được chia cho công ty chủ quản của các thần tượng và đơn vị tổ chức địa phương. Tỷ lệ phân chia được thỏa thuận giữa các bên khi ký hợp đồng tổ chức buổi biểu diễn.

Như vậy, phía Việt Nam sẽ nhận được nguồn thu trực tiếp gồm tiền thuế (5% theo luật định), chia lợi nhuận cho đơn vị phân phối vé và ban tổ chức nội địa. Theo ước tính của một người có kinh nghiệm trong ngành tổ chức sự kiện âm nhạc, khoảng 50-65% doanh thu sẽ chảy về địa phương diễn ra concert.

Bên cạnh nguồn thu tiền vé, các buổi biểu diễn của ngôi sao quốc tế có thể mang vềgiá trị tăng thêm cho các ngành kinh tế có liên quan. TS Daisy Kanagasapapathy - giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, nói tổ chức các buổi diễn quy mô lớn sẽ thu hút đối tượng khán giả đa dạng trong nước và quốc tế, giúp tăng doanh thu du lịch tất cả lĩnh vực. Sự kiện cũng tạo ra kích thích kinh tế đến từ việc đặt phòng lưu trú tăng, sử dụng dịch vụ vận chuyển, chi tiêu ăn uống và bán lẻ. Điều này cũng phát sinh nhiều cơ hội việc làm và củng cố kinh tế địa phương.

Hồi giữa tháng 6, lễ hội âm nhạc Seen festival tại Hội An (Quảng Nam) có sự tham gia của Taeyang (Big Bang), Hyoyeon (SNSD), BoA, aespa và một số nghệ sĩ khác. Ông Jackie Hân - CEO của Vietnam Events, đơn vị tổ chức lễ hội, chia sẻ với VnExpress rằng đã có khoảng 8.000 người tham dự hai đêm diễn. Cùng với lễ hội pháo hoa, sự kiện giúp đưa Hội An - Đà Nẵng lọt top điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất trong nửa đầu năm.

Vietnam Events cho biết thêm, trung bình mỗi khán giả đã chi hơn 6 triệu đồng cho phương tiện di chuyển, ăn uống và mua sắm, chưa bao gồm tiền vé xem chương trình. Với số lượng 8.000 người tham dự, đơn vị này tự tin Seen festival đã mang về "khoản thu không hề nhỏ cho địa phương". Riêng khu resort tổ chức lễ hội ghi nhận khoảng 400 lượt đặt combo vé xem và phòng khách sạn, tương đương hơn 3 tỷ đồng doanh thu.

"Không chỉ K-pop mà mỗi sự kiện biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ lớn đều là những 'mỏ vàng' cho kinh tế địa phương", ông Jackie Hân nhận xét.

Người hâm mộ Việt Nam đang cổ vũ thần tượng biểu diễn tại lễ hội âm nhạc ở Hội An (Quảng Nam), tháng 6/2023. Ảnh: Seenfestival

Người hâm mộ Việt Nam đang cổ vũ thần tượng biểu diễn tại lễ hội âm nhạc ở Hội An (Quảng Nam), tháng 6/2023. Ảnh: Seenfestival

Ngoài các nguồn thu trực tiếp kể trên, tác động gián tiếp của những buổi concert cũng giúp tạo ra tài sản vô hình. Theo TS Daisy, các chuyến lưu diễn thành công tạo hình ảnh tích cực về sự sống động văn hóa, định vị địa phương tổ chức như một điểm đến hấp dẫn cho du lịch âm nhạc, góp phần giúp ngành này phát triển bền vững, khuyến khích đầu tư và tăng trưởng.

Âm nhạc là ngôn ngữ toàn cầu và mọi người đi du lịch để giải trí. Chính vì vậy, du lịch âm nhạc đang trở thành công cụ phổ biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch các nước. Theo giảng viên Đại học RMIT, tập trung vào du lịch âm nhạc có thể giúp Việt Nam thu hút nhiều khách, tương tự cách Malaysia, Hong Kong, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan đã làm và thành công.

Tại Hàn Quốc - cái nôi của K-pop, trung bình mỗi năm có hàng trăm concert được tổ chức, thu hút từ hàng chục đến hàng trăm nghìn người hâm mộ trên thế giới đổ về. Tháng 10/2019, chuyến lưu diễn "Love Yourself: Speak Yourself" của nhóm nhạc BTS đặt chặng cuối ở Seoul với ba đêm diễn, đón khoảng 130.000 người. The Korea Herald dẫn một báo cáo của Đại học Hàn Quốc chỉ ra, concert này tạo gần 923 tỷ won (gần 17.300 tỷ đồng) hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp.

Hồi đầu năm nay, Blackpink có chuyến lưu diễn tại Bangkok, giúp ra tạo thu nhập quay vòng cho ngành du lịch và nền kinh tế chung rất lớn, theo Tổng cục Du lịch Thái Lan. Cơ quan này đánh giá concert giúp kéo về một lượng khách du lịch chất lượng cao ở Lào, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines... góp phần đưa đất nước thành "điểm đến âm nhạc" của khu vực. Trong khi đó, hai đêm diễn của Blackpink tại đất Thái ghi nhận 66.000 người tham dự, ít hơn so với con số 70.000 người tại Việt Nam.

Ở Singapore, tờ The Star đánh giá ngành du lịch thu lợi lớn từ các concert của Coldplay, Taylor Swift và Blackpink. Theo Agoda, toàn bộ khách sạn sẽ cháy phòng trong thời gian diễn ra buổi biểu diễn của nhóm nhạc rock Anh Coldplay vào tháng 1/2024. Trong khi đó, cách đây một tháng, người hâm mộ Taylor Swift đổ xô đăng ký mở thẻ ngân hàng United Overseas Bank của nước này, để đổi lấy quyền mua vé concert trước tiên.

Tổ chức concert trở thành ngành kinh tế tiềm năng khi mức độ chịu chi của người hâm mộ Việt ngày càng tăng. Tuần này, Taeyeon (SNSD) mở concert ở xứ chùa vàng. Theo thống kê của một fanpage tại Việt Nam, có hơn 400 người hâm mộ Việt sẽ sang Thái để tham gia với chi phí trung bình 15 triệu đồng mỗi người. Một khảo sát mới đây của cộng đồng người hâm mộ nhóm NCT Dream tại Việt Nam cho thấy, có hơn 7.700 người sẵn sàng bỏ tiền nếu thần tượng sang biểu diễn. Số tiền mà họ chịu chi để mua vé thấp nhất là 2 triệu, cao nhất là 6 triệu đồng.

Không chỉ trong nước, các concert tổ chức tại Việt Nam có thể thu hút nhiều người hâm mộ quốc tế. Với góc nhìn của một người làm trong ngành du lịch, từng tìm hiểu nhiều về thị hiếu của khách Trung Quốc, Pete Pitipon nói người hâm mộ nước này thích các concert K-pop tổ chức ở Việt Nam. Nguyên nhân là chính quyền Bắc Kinh nhiều năm qua luôn hạn chế các hoạt động của thần tượng Hàn Quốc, khiến các chuyến lưu diễn toàn cầu của K-pop đều bỏ qua Trung Quốc đại lục, chỉ dừng chân ở các đặc khu Hong Kong, Macau... Tâm lý đa phần của nhóm này không thích đi concert ở các đặc khu mà thường chọn Đông Nam Á. Trong số đó, Việt Nam là điểm đến có khoảng cách địa lý thích hợp và chi phí sinh hoạt vừa túi, giúp họ tiết kiệm chi phí.

"Trong tương lai nếu các thần tượng K-pop tiếp tục tổ chức concert tại Việt Nam, tôi nghĩ người hâm mộ Trung Quốc sẽ rất thích và sẵn sàng đổ sang tham dự", Pete dự đoán.

Tuy nhiên để khai thác tối đa "mỏ vàng" trên, Việt Nam cần cải thiện nhiều điều. Thực tế concert Blackpink vừa qua cũng xuất hiện một số bất cập như lượng vé bán ra vượt quá nhu cầu, giá vé chưa phù hợp với thu nhập người hâm mộ, "phe vé" gây nhiễu loạn.

Đại diện một công ty giải trí nội địa có kinh nghiệm tổ chức thành công đêm nhạc khoảng 5.000 khán giả, nói với VnExpress rằng một trong những điểm khó khăn nhất để phát triển du lịch âm nhạc là cơ sở vật chất tổ chức, nhất là hệ thống âm thanh, tại Việt Nam chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Điều này khiến đơn vị tổ chức tốn chi phí vận chuyển từ nước ngoài, từ đó đội thêm giá vé cho mỗi sự kiện. Với concert Blackpink, 80% thiết bị kỹ thuật buộc phải nhập khẩu.

Người này nói thêm, một số chương trình có tiền lệ hủy vào phút chót do các lý do chủ quan. "Những sự việc trên gây ảnh hưởng đến uy tín của các đơn vị tổ chức tại Việt Nam khi ngỏ lời đến các ngôi sao quốc tế", đại diện này cho hay.

80% thiết bị kỹ thuật cho concert Blackpink được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Thái Lan. 200 chuyên gia Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Singapore và Thái Lan tới Hà Nội làm việc. Ảnh: Hoàng An

80% thiết bị kỹ thuật cho concert Blackpink được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Thái Lan. 200 chuyên gia Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Singapore và Thái Lan tới Hà Nội làm việc. Ảnh: Hoàng An

Bản chất của hoạt động tổ chức concert khá tương đồng như phát triển một dự án bất động sản. Ban tổ chức địa phương, như với concert Blackpink là Công ty TNHH Âm nhạc IME, đóng vai trò như đơn vị phát triển dự án. Các công ty chủ quản, như YG Entertainment quản lý Blackpink, là chủ đầu tư. Hai bên phối hợp nhau để "xây" nên buổi biểu diễn.

Sau khi đồng ý về tỷ lệ phân chia lợi nhuận, ban tổ chức địa phương thường phải đặt cọc 50% số tiền mà công ty quản lý nhận được, ngay khi ký hợp đồng tổ chức. Nguồn tài chính cho việc này có thể do chính họ tự thu xếp hoặc kêu gọi tài trợ, các nhà tài trợ sẽ được trả quyền lợi truyền thông tương ứng. Với mô hình trên, công tác đo lường nhu cầu của người hâm mộ và xác định giá vé cần được tính toán kỹ lưỡng, nhằm hạn chế thua lỗ cho ban tổ chức địa phương.

Đại diện công ty giải trí kể trên cho biết, lượng vé bán ra phải được cân đo kỹ lưỡng giữa bài toán kinh tế, truyền thông, tính địa phương và sự đồng thuận từ công ty chủ quản nước ngoài. Người này lưu ý, các đơn vị tổ chức bắt buộc phải thực hiện công tác nghiên cứu và sử dụng hệ thống dữ liệu lớn để có số liệu thống kê rõ ràng về nhu cầu, từ đó đưa ra nguồn cung và giá vé một cách hợp lý.

Không chỉ khâu tổ chức, các công tác tận dụng lượng khách xem concert để tạo nguồn thu cho kinh tế chung cũng cần được chú trọng. Ông Hoàng Nguyễn - quản lý cấp cao của Klook Việt Nam, gợi ý cần quảng bá Việt Nam như một điểm đến du lịch hấp dẫn trong mỗi dịp concert. Điều này sẽ giúp tăng cường nhận diện cho các điểm tham quan, địa danh và trải nghiệm của Việt Nam, qua đó khuyến khích người hâm mộ xem concert kéo dài thời gian lưu trú và khám phá nhiều hơn, gia tăng chi tiêu du lịch.

Ở góc nhìn vĩ mô, TS Daisy Kanagasapapathy cho rằng sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý du lịch, các đơn vị tổ chức sự kiện và doanh nghiệp địa phương rất quan trọng. Bà gợi ý tạo ra các gói kết hợp vé xem biểu diễn với lịch trình du lịch phù hợp sẽ thu hút khách khám phá đất nước, không chỉ đến để xem biểu diễn.

Song song đó, Việt Nam cần nâng cao hạ tầng giao thông bao gồm các đường bay quốc tế và hệ thống di chuyển trong nước liền mạch. Hơn nữa, việc tạo điều kiện hợp tác giữa ngành du lịch và các nghệ sĩ cùng các bên liên quan trong ngành công nghiệp âm nhạc cũng cần được lưu tâm.

"Sức mạnh tổng hợp này sẽ thu hút nhiều tín đồ âm nhạc và lôi kéo các đơn vị tổ chức để họ ưu tiên chọn Việt Nam làm điểm đến cho các buổi diễn quốc tế", bà nói.

Tất Đạt

Xem thêm: lmth.5918364-man-teiv-ohc-gnan-meit-et-hnik-hnagn-trecnoc-cuhc-ot/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tổ chức concert - ngành kinh tế tiềm năng cho Việt Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools