Mua bóng cười lại dễ như mua kẹo, làm sao ngăn bệnh?
Tổn thương tủy sống do bóng cười
Mới đây, nữ bệnh nhân (26 tuổi, TP.HCM) đã nhập viện điều trị tại Bệnh viện Quân y 7A vì có dấu hiệu ngộ độc sau khi sử dụng 6-7 quả bóng cười chứa khí N2O liên tục trong hai ngày.
Theo người nhà bệnh nhân, sau khi hít bóng cười, nữ bệnh nhân bắt đầu xuất hiện cảm giác kim châm, đi lại khó khăn, các biểu hiện tăng dần kèm theo rối loạn chức năng cơ vòng. Các biểu hiện này tăng dần nhưng bệnh nhân không đi khám mà tự mua thuốc uống.
Sau 15 ngày, bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân đi không vững mới đến bệnh viện để khám. Bệnh nhân có tiền sử thường xuyên sử dụng bóng cười trong nhiều năm, cụ thể là 5 năm, mỗi tuần 2-3 lần, mỗi lần sử dụng 5-7 quả.
Các bác sĩ cho biết bệnh nhân được chẩn đoán, xác định tổn thương tủy cổ đoạn dài từ C1 đến C6, liệt không đi lại được.
Còn tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai gần đây cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do sử dụng bóng cười. Sau hai năm thường xuyên sử dụng bóng cười, nam thanh niên nhập viện trong tình trạng bị liệt tứ chi, tổn thương nghiêm trọng tủy sống, hệ thần kinh. Theo các bác sĩ, liệu trình điều trị đối với bệnh nhân này có thể phải kéo dài hàng tháng, để lại nhiều di chứng về sau.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, sử dụng bóng cười chứa khí N2O có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhân nhẹ có biểu hiện tê chân tay, giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, suy giảm sức khỏe. Trường hợp nặng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thống tủy sống, tổn thương não và rối loạn tâm thần. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ tác hại của bóng cười nên khó có thể hồi phục tổn thương, gây tàn phế suốt đời.
"Bản chất N2O có tác dụng giống như ma túy, khi sử dụng có xu hướng tăng lên để đạt được khoái cảm. Đặc biệt, người dùng bóng cười thường xuyên gây nghiện, có nguy cơ tìm đến các loại ma túy tổng hợp khác", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Cười liên tục có thể gây ngạt khí oxy
Bác sĩ Kiều Mạnh Hà - chủ nhiệm khoa thần kinh Bệnh viện Quân y 7A, TP.HCM - cho biết khí cười (N2O) dùng trong y tế với liều lượng nhất định theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện tương tự heroin.
Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, cho rằng vô hại vì hết cười lại bình thường. Nhưng xu hướng sẽ tăng liều dần và gây nguy cơ ngộ độc.
Trong trường hợp cười do hít bóng cười, việc cười quá mức và liên tục cũng có thể gây ngạt do thiếu oxy. Nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp.
Theo bác sĩ Hà, việc sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong.
Khi hít khí bóng cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác dẫn đến kích thích, hưng cảm thời gian ngắn, sau đó an thần, nặng có thể mất ý thức, loạn nhịp tim, tụt huyết áp...
Hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn cũng có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy.
Bác sĩ Hà lưu ý khí N2O không tan trong máu, lượng oxy thấp, có quả bóng không có oxy nên khi sử dụng sẽ làm thiếu oxy lên não. Ban đầu có thể phấn khích, sau đó sẽ rơi vào hôn mê nếu người dùng có tiền sử các bệnh tim mạch, hen suyễn, dễ kích ứng thần kinh.
Theo TS Lê Thị Thu Hà - trưởng phòng điều trị nghiện chất Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - việc sử dụng N2O sai mục đích dẫn đến rối loạn hành vi, hoang tưởng. Những người sử dụng khí N2O kéo dài sẽ thiếu hụt vitamin B12 gây chết tế bào và bệnh lý thần kinh mất myelin.
Các vị trí tổn thương do ngộ độc khí cười thường gặp ở cột sau và cột bên tủy sống hay gặp ở cột sống, ngực, cổ. Thậm chí có thể gây thương tổn não, thần kinh thị giác hoặc các thần kinh ngoại biên.
Rao bán tràn lan
Liên quan bóng cười, nhiều người đăng bán những bình khí N2O với nhiều kích thước khác nhau, khi trẻ có nhu cầu chỉ cần lấy van để bơm khí vô các xác bóng.
Theo những người bán, lý do để chiết bóng cười sang bình nén dạng chai là do nhỏ gọn thuận tiện, vừa không bị các cơ quan chức năng phát hiện, dễ dàng được ship tận nhà khi có nhu cầu.
Chưa kể nhiều tài khoản không quên khuyến khích khách hàng mua sẽ được tặng kèm xác bóng có đầy đủ sáu mùi, dưa hấu, cam...
Bộ Y tế: Truy xuất quản lý người mua, bán bóng cười
Mới đây, Bộ Y tế có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm khí nitơ oxyd (N2O), xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích.
Bộ Y tế nêu rõ khí nitơ oxyd (tên hóa học là Dinitrogen monoxyd) có công thức hóa học là N2O, là hóa chất được sử dụng trong công nghiệp; sản xuất, chế biến thực phẩm và đang được nghiên cứu sử dụng để an thần, giảm đau trong nha khoa.
Tuy nhiên, việc lạm dụng và sử dụng không đúng mục đích khí N2O có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đặc biệt là giới trẻ do thần kinh bị kích thích, hưng phấn và gây cười; sử dụng lâu sẽ dẫn đến đau đầu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Sử dụng liều cao có thể dẫn đến ảo giác, gây những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh. Thực hiện đúng quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế, bảo đảm truy xuất được người bán và người mua và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
TTO - Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mỗi ngày tiếp nhận hàng chục trẻ vị thành niên sử dụng chất gây nghiện vào viện. Theo đó, tỉ lệ sử dụng bóng cười, cần sa, thuốc lắc… chiếm phần lớn, nhiều nhất trong số này là bóng cười.