Chủ quan dễ thành bệnh nặng
Bé P. (5 tuổi, Hà Nội) mỗi khi thay đổi thời tiết là bị chảy nước mũi vài hôm là hết nên mẹ cháu cũng chủ quan không đưa đi khám. Lần này, bé sổ mũi mãi không khỏi lại có dấu hiệu nặng hơn, mũi chảy nước vàng giống như mủ, đau họng và tai.
Khi đưa con đi khám bác sĩ kết luận bé bị viêm mũi họng nặng, viêm amidan quá phát, dẫn tới nhiễm trùng tai giữa có mủ, làm thủng màng nhĩ, nguy cơ điếc rất cao.
Tương tự, chị Minh Anh (Quảng Ninh) khổ sở vì căn bệnh ngứa mũi, mũi tiết dịch, ngạt tắc gây khó chịu đeo đuổi hơn 20 năm nay nên chị cũng quen và thường tự điều trị. Nhưng đợt này bệnh tiến triển cả tháng không khỏi, chị lại ho, sốt, nổi hạch..., đi khám thì được kết luận viêm phổi nặng.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, cho biết viêm mũi là bệnh phổ biến, ai cũng có thể bị và ngày càng gia tăng với tỉ lệ khoảng 16 - 20%. Nguyên nhân của tình trạng này là do ô nhiễm môi trường, mật độ dân cư đông, ngồi điều hòa nhiều, ít vận động, sức đề kháng yếu... khiến bệnh bùng phát.
Đặc biệt, khi thời tiết thay đổi thường xuyên, nóng lạnh thất thường, ẩm ướt và sự phát triển của hoa, vi sinh vật khiến cho con người dễ bị dị ứng, viêm mũi hầu họng, sức đề kháng yếu là điều kiện thuận lợi cho bệnh xuất hiện, tái phát và nặng thêm.
Đáng lưu ý nhất là trẻ con, do sức đề kháng kém, nên thời tiết thay đổi là trẻ viêm mũi và viêm đường hô hấp thường tăng gấp 2 - 3 lần.
Điều đáng quan tâm là đa số mọi người coi nhẹ bệnh này, không đi khám, không điều trị hoặc tự điều trị không triệt để dẫn tới những biến chứng nặng nề: hen phế quản, sốc hoặc choáng phản vệ...
Nhiều bệnh nhân nặng vào viện trong tình trạng cấp cứu, suy hô hấp (thiếu oxy não và cơ tim) gây tổn thương não và tim khiến trẻ mệt, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Nhóm bệnh nguy hiểm
Bác sĩ Cao Hồng Phúc, khoa khám bệnh Bệnh viện Quân y 103, cho biết viêm mũi ở trẻ em vẫn được xem là bệnh thông thường nên bố mẹ hay bỏ qua hoặc tự điều trị cho bé, rất dễ gây biến chứng.
Bởi tai, mũi, họng thông nhau (mũi thông với họng, thông qua cửa mũi sau, họng thông với tai bởi vòi nhĩ đi từ họng thẳng lên tai giữa), nên khi 1 trong 3 cơ quan này bị viêm, nhiễm trùng thì có thể dẫn tới cơ quan khác gần kề cũng bị bệnh.
Khi mũi bị viêm, dịch mũi dễ chảy xuống họng. Trong dịch mũi chứa một số vi rút, vi khuẩn nằm ở cửa mũi trước và cách vách mũi nên thường gây ra viêm họng, viêm amidan, viêm các hạch bạch huyết vùng hầu họng.
Nguy hiểm nhất là viêm amidan vòi (nằm ngay đường thông thương họng và tai), khi tuyến này bị viêm sẽ sưng lên chảy mủ, làm tắc vòi nhĩ và gây viêm tai giữa.
Tình trạng viêm này dễ lan tràn nếu có sự phối hợp viêm của các amidan khác nằm trong vùng hầu họng. Lúc này bệnh có thể gây ra ổ mủ ở tai, phá thủng màng nhĩ và gây điếc.
Đăc biệt, nhiễm trùng tai giữa dễ gây viêm tai xương chũm, viêm tai trong, viêm hệ thống xương nhỏ dẫn truyền âm thanh trong tai. Tất cả các biến chứng này có thể gây ra điếc vĩnh viễn khó khắc phục.
Hơn nữa, dịch mũi chảy nhiều xuống họng gây viêm họng, viêm khí phế quản, viêm phổi... Vì vậy, nếu trẻ bị viêm mũi có biểu hiện ho, đau họng hoặc khó nuốt, ù tai, hoặc nghe kém cần phải cho trẻ đi khám ngay.
Theo PGS.TS Dinh, viêm mũi tuy không gây chết người nhưng bệnh này lại khiến con người khổ sở vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và công việc, gây khó chịu, mệt mỏi thường xuyên… nên được xếp thuộc nhóm bệnh nguy hiểm.
Viêm mũi thường dẫn tới viêm tai giữa, viêm xoang, viêm mắt, viêm tuyến lệ, viêm kết mạc, viêm thanh khí phế quản, áp xe thành sau họng... Vì vậy không thể coi thường.
"Cách tốt nhất là phòng bệnh bằng cách: tránh các yếu tố nguy cơ (bụi, khói thuốc lá, lông mèo, lông chó, phần hoa...); mặc áo ấm, giữ ấm cổ vào những ngày gió lạnh; cần vệ sinh răng miệng hằng ngày.
Nên tập một thói quen tốt là đánh răng trước và sau khi ngủ dậy. Khi ra đường nên đeo khẩu trang để hạn chế hít phải nhiều bụi, không hút thuốc lá, thuốc lào. Tránh hít phải khí độc do than khi đốt cháy thải ra...
Khi trẻ bị viêm mũi tốt nhất là dùng thuốc nhỏ mũi 3 - 5 ngày đầu là tình trạng viêm mũi thể ổn. Nếu viêm mũi có biểu hiện ho, đau họng hoặc khó nuốt, ù tai, nghe kém, mũi chảy dịch vàng... phải đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa bởi trẻ đã bị viêm tai hoặc viêm amidan biến chứng bắt buộc phải dùng kháng sinh và thuốc chống viêm" - bác sĩ Cao Hồng Phúc khuyên.
Sụt sịt, hắt hơi, chảy mũi liên tục liệu chỉ là dấu hiệu của bệnh cảm thông thường? Chuyên gia cảnh báo: Bạn có thể đã bị bệnh viêm mũi dị ứng tấn công!