Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Dư luận đánh giá cao Chỉ thị khi đặt ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho ngành gạo trong bối cảnh mới, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo có xu hướng tăng cao...
Những mục tiêu, giải pháp chính ở đây là đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường gạo Việt Nam, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý.
Ông Lê Anh Nam, Trưởng phòng xuất khẩu gạo, CTCP Nông sản Vinacam, cho biết: "Chúng tôi cũng không bán xuất khẩu bằng mọi giá mà thay vào đó sẽ tập trung tổ chức sản xuất và dự trữ chân hàng trước khi chào bán để tránh các rủi ro thi trường, tận dụng cơ hội để mở rộng thi trường xuất khẩu qua các thi trường ngách, khó tính hơn như châu Âu, Mỹ… để quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam cũng như tăng giá trị của hạt gạo Việt Nam".
Theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chỉ thị của Thủ tướng rất phù hợp với tình hình thực tế thiếu lương thực trên toàn cầu, làm giá gạo Việt Nam đang tăng nhanh. Hiệp hội có văn bản gửi đến các doanh nghiệp tăng cường dự trữ lương thực, 70% sản lượng gạo để phục vụ nhu cầu trong nước, còn lại để xuất khẩu.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định: "Tồn trữ hàng hóa vụ đông xuân còn dồi dào. Mặc dù giá ngoài nước tăng nhưng giá trong nước chưa tăng, có lợi thế. Thứ hai, hàng tồn kho trong các doanh nghiệp là khá lớn do đầu ra khách ngoại khó khăn. Nếu thời gian tới, mọi việc có thay đổi thì tình hình trong nước vẫn ổn định".
Với Bộ Công Thương, họ đã chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên theo dõi tình hình thị trường từ các nước sản xuất, nhập khẩu gạo lớn để có thông tin cung cấp cho các bên liên quan, từ đó có định hướng trong sản xuất thời gian tới.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng, Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nói: "Chúng tôi đề nghị các thương nhận xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất, thực hiện tốt quy trình lưu thông dự trữ tối thiểu và thường xuyên cập nhật thông tin trao đổi thị trường".
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, Bộ tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường một số địa phương làm tốt việc kiểm tra, giám sát tình hình mua bán, trao đổi lúa gạo trên thị trường, hiện tượng đầu cơ găm hàng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!