Năm năm bám trụ ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM từ cơ sở ở quận Bình Thạnh đến cơ sở ở TP Thủ Đức, người mẹ ấy giờ đã cạn kiệt mọi thứ, cả tiền bạc lẫn sức lực. Đêm đến, Đạt theo chân mẹ tìm khoảnh trống nơi hành lang bệnh viện cuộn người ngủ trên tấm chiếu cũ.
Con bệnh rồi, mẹ về với con
16 tuổi, cô gái quê An Giang ấy lấy chồng, có với nhau hai mặt con. Khi Đạt chưa đầy 1 tuổi, chồng cô bắt đầu bị sốt, tay chân tím tái. Ra tiệm mua thuốc nhưng người ta không dám bán, kêu tình trạng vậy không biết bị gì và khuyên đưa chồng đi bệnh viện. Chính chị cũng không ngờ ngày đưa chồng vào bệnh viện cũng là lần cuối cùng được gặp anh.
Bác sĩ nói ba Đạt bị ung thư phổi phải lập tức nhập viện. Chị Ngọc vay được chục triệu mà chỉ đủ tiền thuốc men, máy thở oxy cho chồng. Nằm được hai tháng, gia đình từ Hải Dương vào đưa anh về quê. Ngày chồng mất, cô gái năm ấy mới 21 tuổi còn đang mải miết đi làm trả số nợ đã mượn, không kịp và cũng không có tiền về quê để nhìn mặt chồng lần cuối. Ký ức ấy như vết sẹo cứ âm ỉ trong lòng Ngọc.
Cha mất, đứa lớn về ở cùng ngoại, đứa nhỏ do nhà nội nuôi. Ba năm làm lụng vất vả nhưng thẻ ATM của Ngọc được chủ nợ giữ.
Mỗi tháng, cô chỉ được cầm đúng 1 triệu đồng cho sinh hoạt cá nhân. Năm 2019, khi vừa trả dứt nợ, Ngọc nhận được cuộc gọi từ người phụ nữ lạ. "Đó là người phụ nữ trong một nhóm từ thiện mà Đạt gặp và nhờ cô đi tìm mẹ giúp con, nó nói mẹ con ở trong miền Nam", Ngọc đau đớn kể.
Người phụ nữ ấy đã gọi về An Giang, rồi lần ra tung tích cô làm việc ở Long An. Họ gom tiền mua vé máy bay cho Ngọc về quê chồng rước con. Gặp lại sau bao năm xa cách, người mẹ xót xa khi Đạt chỉ còn 14,5kg. Đưa con vào bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán cậu bé mắc ung thư máu.
Tận cùng đau thương
Ngọc bật khóc khi kể một thân một mình nuôi con trong bệnh viện và giờ không còn khả năng lo nổi nữa. Hay tin em bệnh, nhìn mẹ gồng gánh, đứa con lớn sinh năm 2011 của chị xin nghỉ học đi bán vé số phụ mẹ. Cuộc sống cả nhà hoàn toàn phụ thuộc vào ông ngoại Đạt mỗi ngày đi gạn cá thuê được chừng 100.000 đồng. Còn bà ngoại cậu bé cũng bệnh nặng, chỉ đủ sức bán vé số gần nhà.
Có thời gian Ngọc cùng cha mẹ nhặt ve chai kiếm sống ở Long An. Cứ khoảng 8h tối, ba người lại dắt díu nhau lên chiếc xe lôi cũ lao vào màn đêm. Trên những con đường vắng, họ dừng lại ở các bãi rác, bới móc tìm kiếm những gì còn sót lại. Cậu anh lớn ở nhà trông chừng, cho em uống sữa rồi ôm nhau ngủ.
Ngày có nhiều rác, cả nhà nhặt chừng 2h - 3h sáng là xong. Hôm nào ít, phải 5h mới về. Hạnh phúc với người mẹ ấy đơn giản lắm, là khi đẩy cửa vào nhà thấy hai đứa con vẫn đang say giấc. "Nhìn ông bà lom khom nhặt rác, mình là con không lo được cho cha mẹ, tôi đau lòng lắm. Có ngày còn bị người ta chửi, đuổi đi nhưng mình nghèo, có buồn vẫn phải làm, phải có tiền mới lo được cho con", Ngọc giàn giụa nước mắt.
Dịch COVID-19 ập đến, suốt bốn tháng Đạt bị trễ thuốc, không uống được viên nào vì đâu có đi bệnh viện được, người mẹ chỉ biết cầu nguyện con bình an. Giữa năm 2022, một hôm đi làm về, thấy chân tay Đạt bầm tím, người mẹ cố gặng hỏi xem con có bị té ở đâu không nhưng con nói không.
Dắt con lên bệnh viện, bác sĩ xét nghiệm tủy đồ thấy không ổn, kêu qua Bệnh viện Truyền máu huyết học kiểm tra thêm. Còn chưa kịp đi thì có kết quả xét nghiệm máu, tiểu cầu Đạt tụt hết. Bác sĩ nói thôi không cần đi nữa, Đạt bị bệnh lại rồi.
Nói rồi, người mẹ trẻ bưng mặt khóc, ngỡ mình như rớt xuống vực thẳm. Bác sĩ nói lần này Đạt rất nặng. Con ói ra máu cục. Người mẹ trẻ lại day dứt, hối hận hơn vì cái nghèo của cuộc mưu sinh khiến cô không thể ở gần quan sát, chăm sóc con ban đầu. Lần này trở lại bệnh viện, khoản tiền nhặt ve chai có gom góp hết cũng không thấm vào đâu.
Không có tiền thuê nhà trọ, người mẹ sinh năm 1994 ấy dồn tất cả vật dụng thiết yếu vào một túi ni lông to. Khi đêm xuống, hai mẹ con dắt díu nhau tìm chỗ nào trống trong khoa nhi, trải chiếu xin ngủ nhờ. Có hôm phải nằm hành lang, hôm khác là một góc nhỏ trong khoa nội. Cứ vậy mà đứa bé mắc ung thư giai đoạn 4 chìm vào giấc ngủ bình yên trong vòng tay mẹ.
Giá mà được gánh bệnh thay con
Trải qua những lần vào thuốc, dù cơ thể khó chịu đến mấy, Đạt chưa bao giờ cằn nhằn với mẹ. Mẹ có la cũng chỉ ngồi cúi mặt. Có lần thấy mẹ bệnh trải chiếu nằm dưới đất, cậu bé nằm trên giường, nhìn xuống hỏi mẹ: "Mẹ bệnh hả? Mẹ đừng bỏ con nha. Mẹ ở lại nuôi con nha".
Ngọc bảo nếu thật sự có điều ước, chị ước mình sẽ gánh hết bệnh thay con chứ không mong gì hơn. Là nói vậy, chứ Ngọc vẫn không giấu mơ ước về một viễn cảnh tốt đẹp hơn. "Bác sĩ nói có mấy đứa nhỏ cũng bị tái đi tái lại mấy lần mà vẫn sống thêm được vài năm nữa. Chừng nào Đạt qua giai đoạn duy trì, tôi lại quay về kiếm một công ty nào đó làm lụng nuôi con, cho cha mẹ nghỉ ngơi", Ngọc bộc bạch.
Con chỉ bị ung thư máu thôi!
Ngọc kể Đạt thương mẹ lắm, lần nào lấy tủy cũng chỉ im lặng, không khóc. Hỏi con có đau không, Đạt kêu đau lắm nhưng thấy mẹ khóc nên con không dám la. Con ngây thơ trả lời vậy mà lòng mẹ quặn thắt.
Mới 8 tuổi nên cậu bé còn vô tư lắm. Mỗi khi ai hỏi bị bệnh gì, nó hồn nhiên trả lời: "Con chỉ bị ung thư máu thôi. Con vô thuốc là khỏe lắm, không sao đâu. Con bệnh nhẹ lắm". Ngọc nghẹn ngào: "Tại sao nó ngoan như vậy mà nó lại bị bệnh". Dù chị biết câu hỏi ấy sẽ chẳng có ai trả lời được. Trong khi cuộc chiến đấu với tử thần là thứ hiển hiện và thực tại mỗi ngày hai mẹ con đang đối mặt.
Mỗi lần nghe ông ngoại gọi điện hỏi thăm rồi hứa sẽ xin cho vào học trường bổ túc dưới quê, thằng bé mừng lắm. Đạt hết hỏi mẹ lại quay qua hỏi bác sĩ chừng nào con được qua khám duy trì để về đi học. Vì Đạt không biết bệnh tình của mình đã chuyển sang giai đoạn 4, giờ chỉ là còn nước còn tát.
Dương Nguyễn Thiện Ân có má lúm đồng tiền và nụ cười trong trẻo, tựa chiếc đầu trọc lóc vào vai mẹ. Đôi tay nhỏ xíu còn gắn kim truyền cầm lấy tay mẹ. Thấy vậy, người mẹ lau vội giọt nước mắt, xoa đầu con trai mỉm cười.