Chia sẻ với Tuổi Trẻ về những khó khăn trong khám bệnh, cấp cứu của bà con Thạnh An - xã đảo duy nhất của TP.HCM, ông TĂNG CHÍ THƯỢNG - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nói:
- Nếu so sánh với các phường, xã trong đất liền, việc chăm sóc y tế ban đầu trên đảo không khác biệt. Xã đảo có trạm y tế cơ bản. Nhưng chỉ thế thôi chưa đủ. Điều tôi suy nghĩ là phải đảm bảo thực thi công bình y tế giữa đất liền và xã đảo.
Nghĩa là làm thế nào để bà con xã đảo tiếp cận được những điều kiện kỹ thuật chăm sóc sức khỏe chuyên sâu tốt nhất khi họ có nhu cầu, hoặc khi được chỉ định. Thực tế bà con còn phải mất nhiều thời gian di chuyển với một hành trình vất vả.
Đảm bảo công bình y tế
* Đến nay ngành y tế đã làm gì để đảm bảo "công bình y tế" cho bà con xã đảo Thạnh An, thưa ông?
- Chúng tôi đã chủ động triển khai một số hoạt động nhằm giảm sự mất công bình về y tế cho bà con ở xã đảo. Nếu như trước đây, xã đảo chỉ có duy nhất một bác sĩ (trưởng trạm y tế), nay đã có giải pháp luân phiên các bác sĩ tình nguyện tại các bệnh viện trong thành phố ra đảo, giúp đảm bảo lúc nào cũng có bác sĩ.
Đặc biệt, lần đầu tiên một hệ thống máy X-quang kỹ thuật số tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh cho các bác sĩ được đưa vào hoạt động. Đây là sự kiện "lịch sử", bởi hệ thống này sẽ đồng thời giúp các bác sĩ hội chẩn từ xa (telemedicine) với các chuyên gia đầu ngành, đáp ứng chăm sóc sức khỏe kịp thời cho bà con sống trên xã đảo.
* Nhưng nỗi ám ảnh của bà con, các y bác sĩ bao năm qua lại chính là khi đi điều trị bệnh chuyên sâu dài ngày hoặc cấp cứu?
- Đúng như vậy. Hiện xã đảo vẫn còn hai vấn đề đáng quan tâm, đó là y tế chuyên sâu và ưu tiên cấp cứu. Càng sớm càng tốt, phải làm thế nào để bà con sống ở xã đảo tiếp cận được y tế chuyên sâu khi có nhu cầu, đặc biệt nhất là các bệnh cấp tính.
Chẳng hạn như đột quỵ, nếu đưa lên chiếc ca nô ngay mùa dông bão thì không chạy được, ngay cả nhân viên y tế cũng sẽ gặp nguy hiểm. Trên tàu gỗ cũng không thể cấp cứu cho người bệnh được. Do đó, vấn đề ưu tiên bây giờ là sớm đầu tư một tàu cấp cứu đúng nghĩa.
Tàu cấp cứu nếu được trang bị sẽ ra sao?
* Vì sao nói đầu tư tàu cấp cứu đúng nghĩa tại xã đảo Thạnh An là ưu tiên số 1, thưa ông?
- Điều này một phần xuất phát từ chuyến đi Trường Sa mới đây của tôi. Khi đến Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, tôi vô cùng bất ngờ bởi dù cách bờ cả ngày trời di chuyển lại có một chiếc tàu cấp cứu đúng nghĩa. Trong đầu tôi lúc ấy chợt lóe lên câu hỏi tại sao Thạnh An - xã đảo duy nhất của TP.HCM - lại chưa có?
Nếu Thạnh An cũng có tàu cấp cứu thì các thao tác cấp cứu trên đường vận chuyển, chạy trong điều kiện sóng to, gió lớn được mà vẫn đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế. Do đó đầu tư một chiếc tàu cấp cứu chuyên dụng cho xã đảo Thạnh An, theo tôi, là điều rất cấp thiết cần ưu tiên số 1.
* Nếu có tàu cấp cứu, việc vận hành thế nào để đảm bảo hỗ trợ người dân tối đa và khai thác an toàn, hiệu quả?
- Đây là điều chúng tôi tính toán rất kỹ. Tàu này không chỉ phục vụ cho bà con xã đảo mà còn phục vụ cho bà con lân cận như đảo Thiềng Liềng, thậm chí cả những ngư dân đánh cá tại vùng biển Cần Giờ, Vũng Tàu. Không chỉ phục vụ riêng cấp cứu mà tàu cũng có thể vận chuyển người bệnh đi điều trị các bệnh lý cấp tính chuyên sâu.
Tôi cho rằng sắp tới đây khi mạng lưới y tế vùng được thiết lập, sẽ không còn chuyện phân biệt người dân của thành phố hay của các nơi khác. Và nếu tuyến đường sông phát triển, tàu cấp cứu này có thể chuyển bệnh chạy thẳng về tới bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM), tiết kiệm thời gian vàng cho người bệnh.
Chúng tôi cũng đã chủ động ngồi lại với Bộ đội Biên phòng TP.HCM và thống nhất đơn vị này sẵn sàng đảm nhận việc vận hành tàu, còn y tế sẽ chuẩn bị nhân sự. Về lâu dài, chúng tôi cũng đã kiến nghị sớm mở mã ngành đào tạo cấp cứu ngoại viện bổ sung lực lượng cấp cứu.
Đặc biệt Trung tâm Cấp cứu 115 đã sẵn sàng mở thêm trạm cấp cứu ở Cần Giờ, đảm bảo cấp cứu cho bà con trên xã đảo, khách du lịch và các ngư dân đánh bắt cá trên biển.
* Tàu cấp cứu là một phương tiện khá xa lạ với nước ta. Ông có thể phác họa tàu này sẽ như thế nào, nếu được đầu tư?
- Điều quan trọng nhất là tàu có thể chạy được trong điều kiện sóng to, gió lớn, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế và người bệnh. Trong tàu sẽ được trang bị băng ca đặc thù, hệ thống oxy, monitor theo dõi; các loại máy thở di động, hút đàm, sốc điện, ép tim tự động và các túi dùng dụng cụ, thuốc cấp cứu chống nước phù hợp với môi trường công tác.
Đặc biệt tàu cần được trang bị phương tiện thông tin liên lạc để phối hợp với các lực lượng cứu nạn cứu hộ trong cấp cứu và vận chuyển cấp cứu bằng đường thủy…
Sẽ lập đơn vị chạy thận ở Cần Giờ
Ngành y tế vừa đề xuất thành phố cho xây dựng đề án "Nâng cao năng lực y tế của Cần Giờ". Trong đó Bệnh viện huyện Cần Giờ sẽ được tái lập thiết kế đơn vị chạy thận nhân tạo để người dân không còn vất vả đi lại.
Lúc chuyển cụ bà bị nhồi máu cơ tim vào đất liền cấp cứu, trời mưa to, gió rít liên hồi, biển tối như mực, bác sĩ Thành chột dạ 'có khi nào là lần cuối cùng của mình'...