Theo thông báo của TSMC ngày 8-8, ban lãnh đạo công ty Đài Loan này đã phê chuẩn kế hoạch đầu tư 3,5 tỉ euro (3,8 tỉ USD) vào một nhà máy tại Đức. Đây sẽ là nhà máy đầu tiên của TSMC ở châu Âu.
Đài Loan sản xuất bán dẫn ở châu Âu
Chất bán dẫn chiếm vai trò quan trọng, có thể định hình tương lai công nghệ toàn cầu. Trong bối cảnh đó, TSMC được nhiều người đặt biệt danh là "công ty quan trọng nhất thế giới".
Với TSMC là ngọn cờ đầu, Đài Loan đang thống trị ngành sản xuất bán dẫn. Vùng lãnh thổ này nắm từ 55% tới 60% thị phần bán dẫn toàn cầu.
TSMC chịu trách nhiệm sản xuất chất bán dẫn hoặc chip điện tử theo thiết kế đặt hàng của các công ty khác.
Tính trong số các nhà sản xuất bán dẫn theo hợp đồng dạng này, TSMC là công ty sản xuất lớn nhất thế giới. Khách hàng của họ là những thương hiệu quen thuộc với nhiều người như Qualcomm, Nvidia, hay Apple. Nói cách khác, những "công ty không nhà máy" như Nvidia phụ thuộc nhiều vào công nghệ của TSMC.
Trong cuộc cạnh tranh bán dẫn, các nước châu Âu đã tìm cách hợp tác với TSMC. Từ năm 2021, công ty Đài Loan này đã đàm phán với bang Saxony của Đức về việc xây nhà máy ở thành phố Dresden.
Theo kế hoạch, đó sẽ là nhà máy sản xuất thứ ba của TSMC bên ngoài lãnh thổ đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Chính phủ Đức hy vọng sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong lĩnh vực xe hơi để duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Trong thông báo ngày 8-8, TSMC cho biết khoản đầu tư 3,499 tỉ euro sẽ được rót vào công ty con có tên Công ty Sản xuất bán dẫn châu Âu (ESMC), nơi đại gia Đài Loan này nắm 70% cổ phần. TSMC sẽ cung cấp các dịch vụ đúc khuôn.
Công ty linh kiện xe hơi Bosch và nhà sản xuất bán dẫn Infieon của Đức, cùng Công ty NXP của Hà Lan sẽ nắm 10% cổ phần mỗi bên.
Đài Loan "chia lửa" giữa cạnh tranh toàn cầu
Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn đạo luật về sản xuất chip và bán dẫn (EU Chips Act). Đây là khoản trợ cấp 43 tỉ euro, có mục tiêu tăng gấp đôi năng lực sản xuất chip điện tử của EU vào năm 2030.
Đạo luật trên là kết quả từ nỗ lực cạnh tranh của EU với châu Á và Mỹ. Trong khi Mỹ không che giấu tham vọng cạnh tranh với Trung Quốc ở lĩnh vực này, các nền kinh tế lớn ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những đối thủ đáng gờm.
Sau khi Mỹ gây tranh cãi với các kế hoạch trợ cấp, châu Âu cũng muốn bắt kịp bằng cách hỗ trợ thu hút những công ty công nghệ hàng đầu. TSMC là một trong những nhà sản xuất chip, bên cạnh Intel và Wolfspeed, đang muốn tận dụng các nguồn quỹ chính phủ để xây nhà máy tại châu Âu.
EU và các thành viên đang đẩy mạnh sản xuất trong nước nhằm tránh lệ thuộc vào các nhà cung cấp châu Á. Mục tiêu của EU là tăng gấp đôi thị phần toàn cầu, lên mốc 20%, vào năm 2023.
Cuộc cạnh tranh công nghệ và cả địa chính trị dẫn tới việc TSMC và các công ty trong lĩnh vực này san sẻ nguồn lực. TSMC đang đầu tư 40 tỉ USD vào một nhà máy ở Arizona của Mỹ. Đây là bước đi giúp Mỹ triển khai kế hoạch sản xuất chip trong nước.
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khi gặp báo chí tại Hà Nội ngày 21-7. Trong đó bà nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong sáng kiến đặt sản xuất ở các nước "bằng hữu".