Chia sẻ tại họp báo tháng 8 của Bộ Thông tin và Truyền thông, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết với những clip trên mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ được báo chí phản ánh, cơ quan quản lý nhà nước đã vào cuộc rất nhanh để xử lý.
Đối với các clip dàn dựng, gây tranh cãi xuất hiện nhiều trên mạng thời gian gần đây, theo bà Huyền, thông qua phản ánh từ báo chí và mạng xã hội, cơ quan quản lý sẽ đánh giá các thông tin đó có vi phạm pháp luật hay không.
Nếu những nội dung đăng tải trên mạng là clip tự dàn dựng nhưng có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định về quản lý thông tin trên môi trường mạng.
Bà Huyền cho biết các thông tin trên mạng, bao gồm cả các clip dàn dựng, được phân làm ba loại: một là có vi phạm, hai là không vi phạm và ba là những thông tin tuy không vi phạm nhưng có nội dung không tích cực, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
"Với những nội dung không tích cực, phổ biến, gây ảnh hưởng đến cộng đồng, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đánh giá và có hướng xử lý", bà Huyền nói. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử mong muốn các cơ quan báo chí phát hiện, đánh giá, lên án và cảnh báo đối với các nội dung trên mạng xã hội có ảnh hưởng xấu tới người sử dụng.
Bà Huyền cũng khẳng định: Đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới là một chủ trương đã được Bộ Thông tin và Truyền thông mà đầu mối là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử triển khai thực hiện trong nhiều năm qua.
Hoạt động này bao gồm việc buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, sai lệch, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.
Cụ thể, trong tháng 7-2023, đã có tổng cộng 1.300 bài đăng vi phạm trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube bị gỡ bỏ.
Trong đó, từ ngày 1-7 đến 24-7-2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức. Tỉ lệ gỡ bỏ là 90%.
Với Google, qua công tác đấu tranh, nền tảng này đã gỡ bỏ tổng cộng 1.052 video vi phạm trên YouTube. Tỉ lệ gỡ bỏ 91%.
Với một nền tảng gây nhiều bức xúc thời gian gần đây là TikTok, trong tháng 7 vừa qua, nền tảng này đã chặn, gỡ bỏ 19 video vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực. Tỉ lệ các bài đăng vi phạm được gỡ bỏ trên TikTok là 90%.
Không chỉ dừng lại ở việc dàn dựng clip “siêu giảm béo”, phía sau Trung tâm giảm béo công nghệ cao Americare clinic còn nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ, đó là bảng hiệu, bác sĩ thăm khám và thuốc chỉ định cho khách hàng sử dụng.