Có thời điểm, ý tưởng “Xanh – Sạch – Đẹp” tưởng chừng đi vào ngõ cụt, bởi việc vứt rác bất cứ đâu, bất kể thời điểm nào đã thành thói quen của không ít người.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, các thùng rác công nghệ đã dần phát huy tác dụng, dần thay đổi ý thức, tính tự giác của người dân Thủ đô.
Ý thức dần được hình thành
Với tâm lý “sạch nhà hơn bẩn ngõ” một số hộ gia đình không ngần ngại thẳng tay vứt ra đường, ra ngõ thậm chí trước cửa nhà để chờ đến giờ nhân viên vệ sinh môi trường tự đi thu gom. Để dần thay đổi thói quen xấu ấy, Hà Nội triển khai dự án Thùng rác công nghệ nhằm giảm thiểu tối đa việc xả rác nơi công cộng.
Bạn Nguyễn Thị Tuyết cho biết đã học cách phân loại rác ngay từ khi học phổ thông. Ảnh Văn Nam |
Sau vài giây dừng lại đọc những dòng ghi trên thùng rác tại phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội, cô sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân Nguyễn Thị Tuyết mới ngập ngừng bỏ túi rác mà cô đang cầm trên tay trước đó vào chiếc thùng ghi dòng chữ “rác tái chế”.
“Em đọc xem thùng nào là thùng rác tái chế và không tái chế để bỏ túi rác gồm vỏ bánh mỳ và chai nước mà em vừa ăn lúc trên xe buýt đến trường.
Từ hồi học phổ thông, chúng em đã được học thế nào là rác vô cơ rồi. Đó là những loại chất thải rắn như: giấy, chai lọ thủy tinh, túi ni lông...đây là những loại chất thải có thể tái chế lại để tái chế lại được”- Tuyết chia sẻ.
Nhà ở gần hồ Trúc Bạch, quận Tây Hồ, bạn Phạm Thị Hoa cho biết, sau những giờ học trên lớp cô trở thường trở về nhà bằng việc đi bộ trên con đường ven hồ.
“Trước đây nhiều người hay xả rác một cách bừa bãi, khiến cho môi trường, cảnh quan xung quanh hồ bị ảnh hưởng. Nhưng từ khi các thùng rác lắp quanh hồ, mọi người cũng ý thức hơn, rác từ đó được bỏ vào đúng nơi quy định” - Hoa tâm sự.
Những người tiên phong truyền… cảm hứng
Anh Bùi Thanh Trung, nhân viên của chính công ty Goda (đơn vị triển khai thùng rác công nghệ) chia sẻ, hơn một năm qua anh cùng đội ngũ nhân viên của công ty rong ruổi xe khắp các đường phố đặt những thùng rác công nghệ để vừa kiểm tra vừa nhặt những phế phẩm mà người dân vô tình vứt ra ngoài để bỏ vào thùng rác.
“Hy vọng những việc làm của chúng tôi sẽ lan tỏa đến với nhiều người dân bằng việc bỏ rác đúng nơi quy định” – anh Trung cho hay.
Công nhân đi duy tu, làm vệ sinh thùng rác công nghệ. Ảnh Văn Nam |
Ông Phạm Đăng Long, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ xanh Goda cho biết, dự án thùng rác công nghệ kết hợp quảng cáo được thực hiện theo quyết định của UBND Hà Nội trong thời hạn 15 năm.
Dự án khởi đầu từ năm 2019 với mục đích cung cấp, lắp đặt thùng chứa rác khu công cộng kết hợp quảng cáo với mục đích là điểm chứa và phân loại rác cho người dân và du khách có nơi bỏ rác.
Theo ông Long, hiện tại số lượng lắp đặt trên toàn địa bàn Hà Nội khoảng hơn 2.000 trụ. Chủ trương của thành phố là không để thùng rác chứa rác thải sinh hoạt, hàng ăn ra vỉa hè, lề đường làm mất mỹ quan đô thị.
Những thùng rác công nghệ góp phần làm cho Hà Nội trở nên xanh, sạch đẹp mỗi ngày. Ảnh Văn Nam |
Vì vậy mới có dự án thùng rác công nghệ xanh để người dân, khách du lịch có nơi bỏ rác. Mục tiêu của dự án là chứa rác vãng lai, rác do người đi đường bỏ vào. Còn rác sinh hoạt và rác thải từ các nhà hàng, quán xá, hộ gia đình…thuộc phạm vi của một đơn vị khác.
Thùng rác công nghệ được coi là giải pháp sáng tạo vì cộng đồng, sử dụng năng lượng sạch, góp phần bảo về môi trường, làm tăng mỹ quan đô thị, xây dựng hình ảnh Thủ đô ngày càng Xanh – Sạch – Đẹp. Song, để thùng rác xanh phát huy triệt để và hiệu quả, cần sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội.