Vào thứ Ba, C3S cho biết rằng nhiệt độ không khí trung bình của bề mặt toàn cầu vào tháng 7 được xác nhận là cao nhất từ trước đến nay. Tháng 7 được phát hiện là ấm hơn tới 1,5 độ C so với mức trung bình cho giai đoạn 1850-1900 và ấm hơn 0,33 độ C so với tháng 7 nóng nhất trước đó là năm 2019.
Trong khi đó, nhiệt độ bề mặt biển trung bình toàn cầu tiếp tục tăng trong tháng 7 sau một khoảng thời gian dài có nhiệt độ bất thường cao kéo dài từ tháng 4. Tính chung cả tháng, nhiệt độ bề mặt biển trung bình của hành tinh cao hơn 0,51 độ C so với trung bình từ năm 1991 đến năm 2020.
Dữ liệu này được thu thập từ việc đo lường của các vệ tinh, tàu thuyền, máy bay và các trạm thời tiết trên toàn thế giới.
Phần lớn các vùng của châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông và châu Á đã phải chịu đựng cái nóng gay gắt trong những tuần gần đây, trong khi các quốc gia Nam Mỹ có nhiệt độ kỷ lục giữa mùa đông.
“Những kỷ lục này có những hậu quả tai hại cho cả con người và hành tinh phải chịu đựng những sự kiện cực đoan ngày càng thường xuyên và gay gắt hơn. Ngay cả khi tình trạng này không kéo dài”, phó giám đốc của C3S Samantha Burgess cho biết trong một tuyên bố.
C3S và Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc gần đây đã công nhận ba tuần đầu tiên của tháng 7 là khoảng thời gian ba tuần nóng nhất từ trước đến nay.
Nhiệt độ kỷ lục ảnh hưởng đến các cộng đồng trên toàn cầu được thúc đẩy bởi tình trạng khẩn cấp khí hậu. Các nhà khoa học nói rằng các sự kiện thời tiết cực đoan nhấn mạnh tính cấp bách của việc cắt giảm lượng khí nhà kính thải ra môi trường càng nhanh và càng sâu thì càng tốt.
Mới chỉ là khởi đầu
C3S cho biết năm 2023 là năm nóng thứ ba từ trước đến nay với 0,43 độ C cao hơn trung bình gần đây.
Khoảng cách giữa năm 2023 và năm 2016 - năm nóng nhất từ trước đến nay - dự kiến sẽ thu hẹp trong những tháng tới. Nguyên nhân là bởi vì những tháng cuối của năm 2016 tương đối mát mẻ trong khi phần thời gian còn lại của năm 2023 có xu hướng sẽ tương đối ấm áp khi sự kiện El Niño hiện tại vẫn tiếp tục phát triển.
El Niño là một hiện tượng khí hậu tự nhiên góp phần làm tăng nhiệt độ trên toàn cầu. Cơ quan khí tượng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố sự xuất hiện của El Niño vào ngày 4/7, cảnh báo sự trở lại của nó có thể mở đường cho các điều kiện thời tiết cực đoan.
Phát biểu tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở Thành phố New York vào cuối tháng trước, Tổng thư ký António Guterres cảnh báo rằng “kỷ nguyên sôi sục toàn cầu” đã đến.
“Đối với các nhà khoa học, nguyên nhân gây ra điều này là không thể chối cãi: Do con người. Tất cả điều này hoàn toàn trùng khớp với các dự đoán và các lời cảnh báo đã luôn được lặp đi lặp lại. Biến đổi khí hậu đã xuất hiện. Thật đáng sợ, và đây mới chỉ là khởi đầu.”
Tham khảo CNBC