vĐồng tin tức tài chính 365

Một năm phục hưng ngành sản xuất chip của Mỹ

2023-08-09 15:22

Các nhà sản xuất chip của Mỹ chiếm một phần ba doanh thu ngành bán dẫn toàn cầu. Họ thiết kế những bộ vi xử lý tinh vi nhất thế giới, dùng cho hầu hết điện thoại thông minh, trung tâm dữ liệu và nhiều mô hình trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhưng các công ty Mỹ và đối tác gia công lại không sản xuất bất kỳ con chip tiên tiến nào trên đất Mỹ. Với vai trò trung tâm về chip đối với các nền kinh tế hiện đại - trong thời đại của AI và xung đột quân sự - các nhà hoạch định chính sách ở Washington bắt đầu lo lắng.

Vì vậy, ngày 9/8/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành đạo luật CHIPS với gói trợ cấp hơn 50 tỷ USD dưới dạng thuế và ưu đãi để đưa ngành sản xuất chip tiên tiến trở lại Mỹ. Nhìn bên ngoài, chính sách đã mang đến tác động sau một năm.

Nếu tính từ 2020 - khi mảng này được tạo điều kiện đến nay, các nhà sản xuất chip đã công bố các khoản đầu tư trị giá hơn 200 tỷ USD vào Mỹ. Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, đến năm 2025, các nhà máy sản xuất chip (thuật ngữ gọi là fabs) của Mỹ sẽ sản xuất 18% số lượng chip hàng đầu thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói chuyện với các công nhân trong chuyến thăm nhà máy đầu tiên của TSMC tại Mỹ ngày 7/8/2023. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói chuyện với các công nhân trong chuyến thăm nhà máy đầu tiên của TSMC tại Mỹ ngày 7/8/2023. Ảnh: Reuters

TSMC - công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới của Đài Loan, đang chi 40 tỷ USD xây 2 nhà máy ở Arizona. Samsung thì đầu tư 17 tỷ USD vào Texas. Intel - nhà sản xuất chip lớn nhất của Mỹ, sẽ chi 40 tỷ USD cho bốn nhà máy ở Arizona và Ohio. Khi Đạo luật CHIPS kỷ niệm tròn một năm ra đời, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều coi đó là một chiến thắng chung.

Tuy nhiên, Mỹ khó lòng sớm đắc thắng. Tiến độ xây dựng các nhà máy đang chậm hơn, đắt đỏ hơn và quy mô nhỏ hơn so với ở châu Á. Vấn đề còn phức tạp hơn khi doanh nghiệp đổ tiền đầu tư, nhu cầu chip toàn cầu lại hạ nhiệt, ít nhất là trong ngắn hạn. Điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận dài hạn của ngành này.

Theo tổ chức tư vấn Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi, trung bình các công ty mất khoảng 650 ngày để xây dựng một nhà máy mới ở Trung Quốc và Đài Loan. Nhưng ở Mỹ, các nhà sản xuất phải tuân thủ hàng loạt quy định của liên bang, bang và chính quyền địa phương, khiến thời gian xây dựng kéo dài trung bình lên 900 ngày.

Chi phí xây dựng - chiếm khoảng một nửa vốn đầu tư cho một cơ sở sản xuất mới - có thể tốn kém hơn 40% so với ở châu Á. Một số chi phí có thể được bù đắp bằng ưu đãi của đạo luật. Tuy nhiên, chi phí hoạt động hàng năm ở Mỹ vẫn cao hơn 30% so với ở châu Á, một phần vì lương công nhân cao hơn. Đó là chưa kể có tìm được lao động hay không. Hồi tháng 7, TSMC đã lùi thời gian vận hành nhà máy đầu tiên ở Arizona một năm cho đến 2025 vì không thể tìm đủ công nhân có kinh nghiệm trong ngành bán dẫn.

Các dự án ở Mỹ có quy mô nhỏ nên giá chip sản xuất ra cũng cao hơn. Tại Arizona, TSMC có kế hoạch sản xuất 50.000 tấm wafer mỗi tháng - tương đương với cấp độ của 2 "mega-fabs". Nhưng ở Đài Loạn, họ vận hành đến 4 "giga-fabs", với mỗi fabs sản xuất ít nhất 100.000 tấm wafer mỗi tháng, chưa kể nhiều "mega-fabs". Nhà sáng lập Morris Chang cảnh báo chip sản xuất tại Mỹ sẽ đắt hơn.

C.C. Wei, CEO của TSMC nói rằng công ty sẽ chấp nhận những chi phí cao hơn này. Ông có khả năng làm điều đó vì TSMC sẽ tiếp tục sản xuất phần lớn chip với giá rẻ hơn tại Đài Loan, chứ không phải tại Mỹ. Điều tương tự cũng đúng với Samsung. Họ sẽ chi gần 90% nguồn vốn đầu tư tại quê nhà. Thậm chí Intel cũng đang đầu tư nhiều hơn vào các nhà máy nước ngoài so với tại Mỹ.

Nếu tất cả khoản đầu tư dự kiến thành hiện thực, Mỹ cũng chỉ sẽ sản xuất đủ số lượng chip tiên tiến đáp ứng được một phần ba nhu cầu trong nước. Apple sẽ tiếp tục mua bộ xử lý cao cấp cho iPhone từ Đài Loan. Và nhiều khả năng ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo mới nổi của Mỹ cũng sẽ làm điều tương tự.

Chính sách của Mỹ cũng có những "tác dụng phụ". Các công ty sản xuất chip nhận trợ cấp từ nước này bị cấm mở rộng khả năng sản xuất ở Trung Quốc. Ngoài việc ngáng chân những doanh nghiệp như TSMC hay Samsung, đạo luật vô tình tạo động lực để các nhà sản xuất chip Trung Quốc đầu tư tự sản xuất các loại chip bán dẫn ít phức tạp hơn.

Theo công ty nghiên cứu Semi, năm 2019, Trung Quốc sản xuất khoảng một phần năm của các loại chip hiệu suất thấp công nghệ cũ (gọi là chip trailing-edge), được sử dụng trong mọi thứ từ máy giặt đến ôtô và máy bay. Đến 2025, thị phần của họ sẽ hơn một phần ba.

Vào tháng 7, hãng sản xuất chip trailing-edge Hà Lan - NXP Semiconductor, cảnh báo rằng nguồn cung quá mức từ các công ty Trung Quốc đang tạo ra áp lực giảm giá. Trong tương lai, điều này có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất phương Tây, thậm chí là buộc họ rút lui khỏi thị trường. Vào tháng 7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo thừa nhận rằng việc Trung Quốc tập trung vào "trailing-edge" là "một vấn đề chúng ta cần suy nghĩ".

Ngoài ra, khó dự đoán nhất là tác động của đạo luật CHIPS đối với chu kỳ bùng nổ và phá sản của ngành công nghiệp bán dẫn. Thông thường, các nhà sản xuất chip sẽ tăng công suất vào thời điểm nhu cầu tăng cao. Nhưng hiện họ đang làm điều ngược lại. Tình trạng thiếu chip trong đại dịch đã biến thành dư thừa khi nhu cầu mua sắm đồ kỹ thuật số dường như đã được thỏa mãn.

Doanh số bán hàng của TSMC đã giảm 10% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Họ dự kiến mức giảm tương tự trong cả năm 2023. Doanh thu của Intel giảm 15% trong ba tháng tính đến tháng 6. Samsung đổ lỗi cho tình trạng dư thừa chip khiến doanh thu và lợi nhuận giảm. Giá cổ phiếu của Intel chỉ bằng một nửa so với mức đỉnh vào đầu năm 2021.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành chip vẫn nhìn thấy triển vọng xán lạn. Có thể họ đúng khi cho rằng nhu cầu chắc chắn sẽ phục hồi vào một thời điểm nào đó. Dẫu vậy, giảm hàng tồn kho đang mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Và khi tồn kho cuối cùng được điều chỉnh, doanh nghiệp sẽ ít lợi nhuận hơn. Từ đầu năm 2021, Intel, Samsung và TSMC đã mất một phần ba giá trị thị trường kết hợp của họ, tương đương gần nửa nghìn tỷ USD. Có thể cần vài năm nữa để đánh giá đúng mức tác động của đạo luật CHIPS với an ninh kinh tế Mỹ.

Phiên An (theo The Economist)

Xem thêm: lmth.0269364-ym-auc-pihc-taux-nas-hnagn-gnuh-cuhp-man-tom/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Một năm phục hưng ngành sản xuất chip của Mỹ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools