Sự tăng trưởng của Alibaba và Tencent được thúc đẩy bởi những kỳ vọng tăng trưởng trở lại khi các biện pháp quản lý với lĩnh vực công nghệ đã được giảm bớt. Bên cạnh đó, các nhà chức trách Trung Quốc cũng đưa ra cam kết gỡ những nút thắt trong lĩnh vực tư nhân.
Lần đầu kể từ năm 2021, giới công nghệ Trung Quốc mới bước vào mùa báo cáo thu nhập với những gì được mô tả là sóng gió đã ở phía sau. Người ta dự đoán rằng lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong hơn một năm vừa qua. Sau khi nền kinh tế được mở cửa, Trung Quốc cũng nới lỏng các biện pháp quản lý trong lĩnh vực công nghệ. Bằng chứng lớn nhất là việc Ant Group có thể được lên sàn trở lại.
Tuy nhiên, những điều đó không đủ làm các nhà đầu tư yên tâm. Có nhiều thông tin bất lợi khiến các nhà đầu tư lo lắng. Đầu tiên là việc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã ngừng hỗ trợ chính sách và tài chính lớn đối cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng vẫn thấp do triển vọng tiền lương giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong tầng lớp thanh niên. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận của các gã khổng lồ công nghệ vẫn rất thấp.
Mặc dù vẫn tăng 20% kể từ tháng 5 nhưng bộ chỉ số các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đã giảm 4% trong tháng này khi các nhà đầu tư lo lắng và rút tiền trước thời điểm Alibaba công bố báo cáo kết quả kinh doanh vào ngày 10/8.
“Khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó, các gã khổng lồ công nghệ cũng khó lòng bùng nổ như trước. Và các quy định trong lĩnh vực này cũng khiến các doanh nghiệp này không thể mặc sức bùng nổ như trước đây. Kiểu tăng trưởng như trong quá khứ khó có thể lặp lại”, Vey-Sern Ling, giám đốc điều hành của Union Bancaire Privee, cho biết.
Kết quả kinh doanh chuẩn bị được công bố của các gã khổng lồ công nghệ sẽ cung cấp những manh mối đầu tiên về cái được kỳ vọng là sự hồi sinh của ngành công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, đó hẳn sẽ là một chặng đường dài cho tới khi tiệm cận với những gì mà ngành công nghệ đạt được năm 2021, ngay trước thời điểm lĩnh vực này chịu sự quản lý chặt chẽ.
Alibaba và Tencent đã mất hơn 350 tỷ USD giá trị vốn hóa kể từ năm 2020 tới nay. Để tồn tại trong tình trạng khó khăn, hai doanh nghiệp này đã cắt giảm 20.000 nhân sự trong năm ngoái. Trong khi đó, sự nổi lên của các đối thủ như Baidu và Meituan tiếp tục khiến cạnh tranh trong lĩnh vực này trở nên khốc liệt. Hai gã khổng lồ của Trung Quốc cũng tỏ ra lép vế trong việc mở rộng ra thị trường nước ngoài.
Ở thời điểm này, sự không chắc chắn vẫn bủa vây 2 gã khổng lồ. Tuần trước, các nhà đầu tư nhận thông tin nhà chức trách Trung Quốc muốn giới hạn thời gian sử dụng điện thoại thông minh của trẻ vị thành niên. Điều này khiến nhiều người nghĩ tới một đợt kiểm soát mới mà Alibaba và Tencent chắc hẳn sẽ chịu tổn thất nặng nề nhất.
Vài tháng trước, Alibaba đã tuyên bố tách thành 6 đơn vị gần như độc lập. Việc phân tách này giúp các đơn vị của Alibaba có thể tự do theo đuổi sáng kiến mới đồng thời cũng phù hợp với mục tiêu quản lý của nhà chức trách Trung Quốc. Trong khi đó, Tencent thì được nối lại việc ra trò chơi nhưng thị trường này đã thuộc về nhiều đối thủ cạnh tranh, khiến gã khổng lồ phải vật lộn tìm sản phẩm đột phá.
Tham khảo: Bloomberg