Ý kiến bạn đọc báo Tuổi Trẻ còn cho rằng nếu có hỗ trợ dành cho xe máy điện, chúng ta cũng hy vọng bớt được 2/3 hạn chế cơ bản của giao thông hiện nay.
Tương lai gần vẫn cần xe máy
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Ngô Trí Long - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - nhấn mạnh loại hình phương tiện giao thông của Việt Nam rất đa dạng, lượng xe máy lưu thông lớn nên lượng phát thải cũng rất lớn.
Chúng ta đang chủ trương kiểm định khí thải của xe máy chạy xăng đang lưu hành nên giờ chỉ tập trung ưu đãi cho mua và sử dụng ô tô điện là chưa hợp lý.
Theo ông Long, đặc thù của Việt Nam rất khác các nước. Cả nước có gần 70 triệu xe máy chạy xăng đang lưu hành, số người sử dụng xe máy gấp nhiều lần sử dụng ô tô.
Vì thế, dù lượng xe máy điện, mô tô điện lưu hành hiện nay rất ít nhưng nhu cầu sử dụng trong những năm tới là rất nhiều nên cần chú ý ưu đãi cho cả người mua xe máy điện để khuyến khích người dân sử dụng chứ không nên chỉ ưu đãi riêng cho người mua ô tô điện.
Giải thích về việc Bộ Giao thông Vận tải mới chỉ đề xuất ưu đãi cho người mua ô tô điện, ông Vũ Văn Trung - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho hay chính sách sử dụng xe máy đang có nhiều vấn đề, nhiều đô thị đã đề xuất hạn chế sử dụng xe máy tại khu vực trung tâm, đây có thể là lý do để bộ đề xuất.
Theo xu hướng phát triển thì người sử dụng ô tô điện sẽ ngày càng nhiều hơn xe máy điện vì chúng ta đang khuyến khích người dân hạn chế sử dụng xe máy, ông Trung nhận định.
Thị trường xe điện còn tiềm năng lớn
Ông Hoàng Mạnh Tân - phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà - chia sẻ thế mạnh của công ty sản xuất bồn nước nhưng đã "lấn sân" mảng xe máy điện vì nhận thấy tiềm năng rất lớn.
Tiêu thụ xe máy ở Việt Nam vẫn còn ở tốp trên thế giới, nhưng phần lớn xe máy xăng rơi vào tay nước ngoài. Để giành lại thị trường, ông Tân nhìn nhận xe điện nói chung và xe máy điện nói riêng vẫn có cơ hội lớn khi các doanh nghiệp Việt tiên phong đầu tư, sản xuất.
Theo ông Tân, để thúc đẩy xu hướng chuyển đổi xe xăng sang xe máy điện, doanh nghiệp rất cần chính sách hỗ trợ. So với ô tô điện thì doanh nghiệp trong ngành xe máy điện "thiệt thòi" trong chính sách thúc đẩy, gần như không có. Trong khi đó, Indonesia hỗ trợ chi phí để người dân chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện.
Tương tự Trung Quốc, ở một số đô thị cấm sử dụng xe máy xăng, hỗ trợ bằng nhiều phương án để người dân chuyển sang xe máy điện.
"Tôi được biết để khách hàng tiếp cận, quen sử dụng xe máy điện, ở một số tỉnh thành, công ty hỗ trợ 7,8 triệu đồng/chiếc cho cán bộ, viên chức và người lao động" - ông Tân nói.
Vừa mua cho con gái một chiếc xe máy điện để đi học hằng ngày, chị Lan (phố Hạ Đình, Hà Nội) chia sẻ với mức thu nhập hiện tại, hai vợ chồng cũng phải tích cóp nhiều tháng mới đủ tiền mua một xe máy điện.
"Xe máy điện cũng có nhiều loại, giá một chiếc xe máy điện tốt cũng tương đương một chiếc xe máy chạy xăng", chị Lan cho biết.
Tương tự, anh N.V.T. - một nhân viên văn phòng nhiều năm tại Hà Nội - cho biết bối cảnh dịch bệnh công ty cắt giảm lương, anh buộc phải bán xe máy chạy xăng, chuyển qua mua xe máy điện để tiết kiệm chi phí đổ xăng hằng tháng.
Anh N.V.T. cho hay, với tiền lương nhân viên văn phòng từ 12 - 15 triệu đồng/tháng, việc mua ô tô điện để đi làm hằng ngày đang nằm ngoài khả năng chi trả của đa số nhân viên văn phòng dù có được hỗ trợ bao nhiêu đi nữa.
Vì vậy, trong khi các phương tiện giao thông công cộng chưa nhiều, chưa thuận tiện cho công việc thì mua và sử dụng xe máy điện để đi làm hằng ngày vẫn được nhiều người lựa chọn, anh N.V.T. nói thêm.
Thông tin người tiêu dùng được hỗ trợ 1.000 USD/xe khi mua ô tô điện mới đây được nhiều người quan tâm, bắt nguồn từ đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.