Đáng chú ý, hầu hết các quốc gia trong khu vực trải dài từ Đại Tây Dương đến biển Hồng Hải đều là những nước giàu tài nguyên thiên nhiên. Sau các cuộc đảo chính, các quốc gia này đã nghiêng về phía Nga hơn là phương Tây.
Chuyện xảy ra ở Niger
Theo Hãng tin Bloomberg, lãnh đạo chính quyền quân sự Niger, tướng Abdourahamane Tiani sau khi bắt giữ Tổng thống Mohamed Bazoum đã tuyên bố muốn tránh đổ máu. Quân đội Niger cho biết họ đã giành được quyền lực.
Tuy nhiên, Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), một khối khu vực gồm 15 quốc gia, đã lên án hành động này và đe dọa sử dụng vũ lực để khôi phục nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ.
Liên minh châu Phi, Mỹ, Pháp và các nước khác đã đình chỉ một số viện trợ và kêu gọi trả tự do ngay lập tức và phục chức cho Tổng thống Bazoum, người đến nay chưa từ chức.
Các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính đã đóng cửa không phận Niger đối với hầu hết các chuyến bay, nói là để chống lại mối đe dọa can thiệp của nước ngoài.
Tối 7-8, phe đảo chính ở Niger cũng đã thông báo bổ nhiệm ông Ali Mahaman Lamine Zeine làm thủ tướng. Ông Lamine Zeine là cựu bộ trưởng tài chính dưới thời cựu tổng thống Mamadou Tandja.
Đảo chính Niger là vụ mới nhất trong một loạt cuộc tiếp quản quân sự trong khu vực.
Ý nghĩa chiến lược của khu vực
Niger từng là một "pháo đài" tương đối ổn định ở một trong những khu vực bất ổn nhất thế giới, và là một đồng minh chủ chốt của phương Tây.
Mỹ có một căn cứ máy bay không người lái quân sự ở nước này, nơi họ sử dụng để nhắm mục tiêu quân nổi dậy liên kết với al-Qaeda.
Liên minh châu Âu cũng coi Niger là một đồng minh trong nỗ lực giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp từ châu Phi. Dòng người di cư đi về phía bắc thường đi qua nước này trên đường đến Địa Trung Hải.
Khối EU đã viện trợ cho Niger 1,1 tỉ USD từ năm 2017 đến 2020, trong đó 1/4 ngân sách dành cho các biện pháp kiểm soát di cư.
Niger có diện tích lớn hơn gấp đôi nước Pháp, được xếp hạng trong số các quốc gia kém phát triển nhất và có tỉ lệ sinh cao nhất thế giới.
Các sự kiện ở Niger diễn ra sau hai cuộc đảo chính ở nước láng giềng Mali và Burkina Faso, cũng như một cuộc đảo chính ở Guinea gần đó. Đáng chú ý, các chính quyền mới hiện nay đều nghiêng về phía Nga.
Nhà lãnh đạo của Sudan ở phía đông khu vực Sahel bị lật đổ vào năm 2021, cùng năm quân đội Chad thay thế tổng thống quá cố bằng con trai của ông, một tướng quân đội.
Tất cả các cuộc tiếp quản quân sự đều bắt nguồn từ tình trạng bất ổn kinh tế và quản lý yếu kém đã gây ra sự thất vọng trong dân thường và - đặc biệt là ở Tây Phi - sự lan rộng của bạo lực cực đoan.
Các tay súng thánh chiến trở thành nỗi lo an ninh không chỉ đối với khu vực và còn đe dọa lợi ích của phương Tây.
Mặt khác, về kinh tế và tài nguyên, Niger là nhà sản xuất uranium lớn thứ hai ở châu Phi và xuất khẩu phần lớn sản lượng sang Pháp, theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới. Nước này đã sản xuất 2.020 tấn uranium năm 2022. Hiện chưa có thông tin cuộc đảo chính ảnh hưởng đến sản xuất uranium hay không.
Tuy nhiên, tất cả các quốc gia khác trong khu vực trải qua sự tiếp quản của quân đội trong những năm gần đây đều giàu tài nguyên và rất ít quốc gia gặp phải sự gián đoạn lớn đối với hoạt động khai thác, bất chấp những thay đổi về quyền lực.
Trong tuyên bố của mình, tướng Tiani, lãnh đạo Niger hiện nay, đã yêu cầu sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế và cam kết tôn trọng các thỏa thuận với họ.
Cuộc đảo chính ở Niger khiến châu Âu lo ngại về tình hình tại quốc gia Tây Phi, vốn được coi là điển hình của sự ổn định những năm qua.