Bởi nhà báo Thái Duy cũng chính là một tấm gương sáng mà nhiều người muốn noi theo, dù nhà báo ấy chỉ "suốt đời làm phóng viên".
Trong buổi ra mắt phim tài liệu Thái Duy - Sống và viết (đạo diễn Nguyễn Sỹ Đại) do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức vào chiều 9-8 tại Hà Nội, những người tham dự đã thể hiện lòng kính trọng đặc biệt với nhà báo Thái Duy - tác giả Sống như anh với hàng chục triệu bản từng được phát hành, người góp công lớn ủng hộ "khoán chui" trong nông nghiệp.
Cuốn sách hơn 30 triệu bản
Nhà báo Cao Kim Toàn là người từng làm việc với nhà báo Thái Duy ở báo Giải Phóng và sau này làm báo Hải Phòng gặp gỡ đàn anh rất nhiều khi Thái Duy về viết báo ủng hộ "khoán chui" ở Hải Phòng những năm 1970.
Bởi vậy, ông Kim Toàn xúc động chia sẻ nhiều câu chuyện về người anh mà ông kính trọng cả về nghề nghiệp lẫn nhân cách.
Về cuốn sách mà Thái Duy viết với bút danh Trần Đình Vân, ông Toàn bảo chưa một nhà báo nào có tác phẩm với số lượng phát hành tới hơn 30 triệu bản như tác phẩm Sống như anh.
Riêng ở Trung Quốc đã phát hành 5 triệu bản. Để chuyển vào cơ sở Thành Đoàn Sài Gòn bí mật rồi nhân bản phát tới các thanh niên năm 1968 thì Sống như anh đã phải chui trong ruột một chiếc bánh chưng.
Nhà báo Nguyễn Quốc Khánh - nguyên phó tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết - thì nhớ lại lần ông tháp tùng tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết là nhà báo Ngọc Thạch và ông Thái Duy đi xuyên Việt vào TP.HCM.
Chuyến đi năm 1990 đó, ông Thái Duy đã lẳng lặng tìm gặp các chiến sĩ tử tù, có người còn sống ở TP.HCM, có người sống ở các tỉnh.
Ông đau đáu khi thấy các chiến sĩ từng là tử tù nhiều người có cuộc sống vô cùng khó khăn. Sau chuyến đi, loạt bài Chuyện những người tử tù đăng trên báo Đại Đoàn Kết đã gây ra hiệu ứng xã hội rất lớn lúc bấy giờ.
Chiến binh bảo vệ "khoán chui"
Ông Kim Toàn còn đặc biệt nể trọng Thái Duy ở hàng trăm bài báo trong hàng chục năm ủng hộ "khoán chui" trong nông nghiệp.
Là cây bút chủ lực của báo Đại Đoàn Kết viết về "khoán chui" từ năm 1979 đến 1986, những bài báo của Thái Duy đã được tập hợp lại thành cuốn sách Khoán chui hay là chết (NXB Trẻ, 2013).
Ông Toàn cho biết khi "khoán chui" ở Hải Phòng nóng bỏng nhất thì Thái Duy đã có mặt ở đây và là cây bút đi đầu.
Kể chuyện viết về "khoán chui" của bố, ông Trần Hoài Nam - con trai nhà báo Thái Duy - xúc động nói ông muốn thay mặt bố cảm ơn người mẹ đã mất của mình. Mẹ ông đã hy sinh rất nhiều để bố ông được thỏa chí hướng.
Bởi việc viết ủng hộ "khoán chui" khi ấy là một thách thức rất lớn cho sinh mệnh chính trị của một nhà báo. Ông Nam còn nhớ lúc ấy mẹ ông đã nói "Anh làm thế nào thì làm, còn mấy mẹ con đấy", nhưng bà vẫn ủng hộ chồng.
Nhà thơ Hữu Việt - một người thân thiết với gia đình Thái Duy - kể có lần ông hỏi nhà báo Thái Duy tại sao không viết văn, sau một lúc quanh co, ông thú thật: "Nếu tao mà đi viết văn thì dân khổ".
Ông Hữu Việt nói cả cuộc đời, người mà Thái Duy mong muốn bảo vệ nhất, mong họ có cuộc sống tốt hơn, muốn những người lãnh đạo đất nước lắng nghe họ nhất, đấy là nhân dân.
Lý tưởng làm báo của ông là hướng về nhân dân. Thái Duy từng nói với Hữu Việt: "Nhân dân là vĩ đại nhất, không có dân là không có gì đâu, không có Đổi mới...".
Đầu năm 1964, ông đi B vào Nam, cùng hai đồng nghiệp thành lập báo Giải Phóng thuộc Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.
Ngày 4-2-1977, ba tổ chức Mặt trận được thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Báo Cứu Quốc và báo Giải Phóng được sáp nhập thành báo Đại Đoàn Kết.
Thái Duy tiếp tục làm phóng viên báo Đại Đoàn Kết đến năm 1995 thì nghỉ hưu.
TTO - Ký ức về Hà Nội một thời bom đạn không chỉ được tái hiện qua quyển sách 'Thư viết từ Hà Nội - Bom rơi trên hè phố thủ đô’ của Tô Minh Nguyệt, mà còn hiện lên trong lời kể của những người ở lại, đã sống qua một thời khói lửa.