Chỉ trong vòng 2 tuần qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận 9 bệnh nhân cấp cứu do bị rắn độc cắn. Trong đó, có 3 trường hợp nguy kịch phải chuyển đến khoa hồi sức tích cực chống độc để điều trị.
Rắn độc bò vào nhà, chui vào ủng
Chị N.T.T.T. (ở thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) bị rắn lục đuôi đỏ cắn nhưng may mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời, nên đã qua cơn nguy kịch và được xuất viện.
"Con rắn lục đuôi đỏ bò vào nhà lúc nào, cả gia đình không ai thấy. Tôi đang đi trong nhà thì nó cắn vào chân. Khi bị cắn, tôi đau nhức khắp khu vực rắn cắn. Tim đập không đều, khó thở… May mà lúc đó có người nhà liền đưa ngay đến bệnh viện" - chị T. kể.
Trong khi đó, chị C.T.L. (ở xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) đang lấy ủng ra mang thì bất ngờ rắn hổ mèo nằm sẵn trong ủng cắn vào chân. Cũng rất may, có người nhà biết cách sơ cứu rồi chở chị L. đến Trung tâm Y tế huyện và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Kiều Văn Bước - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai)- cho biết hằng năm vào tầm tháng 6 đến tháng 9 là thời điểm bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị rắn độc cắn với các mức độ khác nhau, vì đây là thời điểm sinh sôi phát triển của rắn độc.
Không nên tự chữa và đắp thuốc
Theo thống kê, trong năm 2022, khoa của bác sĩ Bước điều trị 86 ca rắn độc cắn. Từ đầu năm 2023 đến nay, khoa này đã ghi nhận 26 ca rắn độc cắn.
"Các loài rắn độc thường gặp tại Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung là rắn lục đuôi đỏ, rắn chàm quạp, rắn hổ mèo… Nọc độc của các loài rắn này có thể gây tử vong, hoại tử mô, suy gan nếu không được xử lý sớm"- bác sĩ Bước nói.
Các trường hợp bị rắn độc cắn thường xảy ra khi người dân lao động ở rừng rẫy hoặc ở nhà. Người dân khi lao động ở rừng rẫy cần mang ủng, găng tay, dụng cụ bảo hộ lao động khác. Khi ở nhà, cần kiểm tra kỹ các nơi có thể có rắn độc ẩn nấp.
"Các trường hợp bị rắn độc cắn nên chuyển đến bệnh viện nhanh nhất. Không nên tự chữa tại nhà hoặc nhờ người khác đắp thuốc. Đã có một số trường hợp nhập viện muộn và dùng thuốc nam dẫn tới biến chứng hoại tử nặng nề. Có trường hợp đến viện muộn, khi vào viện thì bệnh nhân đã ở tình trạng chết não"- bác sĩ Bước khuyến cáo.
Những việc cần làm khi bị rắn độc cắn
Theo bác sĩ Kiều Văn Bước - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai), khi bị rắn cắn, người dân cần thực hiện các biện pháp sơ cứu như: giữ tâm lý bình tĩnh, không tự đi lại hay cử động quá nhiều; để vùng bị rắn cắn nằm thấp hơn tim; làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí bằng huyết thanh kháng nọc rắn càng sớm càng tốt, ít nhất trong 12 giờ đầu.
Không sử dụng băng garo cột chặt vùng bị rắn cắn để cản trở lưu thông máu đến các chi gây hoại tử. Không tự ý chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây… lên vết thương hoặc uống thuốc.
Không rạch, đâm chích vết thương hoặc cố gắng loại bỏ nọc độc để tránh làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngày nay rắn hổ mang sinh sống xen kẽ với con người, đặc biệt tại các khu dân cư. Đây là loại rắn độc nguy hiểm, có thể gây hoại tử bộ phận bị cắn ngay lập tức.