Sáng 10-8, ông Phạm Đăng Khoa – giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo- cho biết sở này vừa có văn bản xin kinh phí mở thêm lớp 10 tại các huyện.
"Không lẽ như vậy con tôi phải nghỉ học"
Theo ông Khoa, tổng số học sinh tốt nghiệp THCS năm 2022-2023 của Đắk Lắk là 29.702 em, số trúng tuyển vào lớp 10 THPT (công lập và tư thục) là 23.087 em, đạt tỉ lệ: 77,73%.
Số chưa trúng tuyển là lớp 10 THPT là 6.615, trong đó có 3.685 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên của các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên của các huyện, thị xã, thành phố và các trường trung cấp, cao đẳng nghề.
Như vậy, trên địa bàn toàn tỉnh hiện còn 2.930 học sinh đã tốt nghiệp lớp 9 năm học 2022-2023 (chiếm tỷ lệ 9,8%) chưa được nằm trong chỉ tiêu của các trường học, cơ sở giáo dục, chưa biết học ở đâu.
"Gia đình khó khăn nên việc cho con vào học trường tư hay cho đi thành phố vào các trường nghề sẽ rất nan giải. Không lẽ như vậy con tôi phải nghỉ học ở nhà", một phụ huynh ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk), lo lắng.
Nói về việc hàng ngàn học sinh 'rớt lớp 10", ông Phạm Đăng Khoa cho biết theo đề án 'phân luồng học sinh" (đề án 522 ngày 14-5-2018 – PV) của Chính phủ thì đến năm 2025, các địa phương đảm bảo phân luồng khoảng 30% học sinh lớp 9 vào các trường nghề; đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu phải đạt tỉ lệ 25% học sinh.
"Kết quả tuyển sinh vừa qua của Đắk Lắk, số học sinh được vào các cơ sở giáo dục đạt tỉ lệ theo yêu cầu. Hơn 2.900 em học sinh (9,8%) thuộc diện phải đi học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Trong khi tại Đắk Lắk, số trường nghề để các em theo học đủ để đáp ứng số học sinh nêu trên", ông Khoa nói.
Xin mở thêm lớp 10 cho học sinh vùng sâu
Dù khẳng định việc phân luồng học sinh đạt yêu cầu nhưng ông Khoa nhìn nhận nhiều học sinh vùng sâu gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục theo học nghề tại các trường ở thành phố.
Theo ông, toàn tỉnh hiện còn 2.930 học sinh lớp 9 tại các huyện vùng sâu, vùng xa chưa có trường dạy nghề, văn hóa, các em gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các trường đào tạo nghề trên địa bàn cả nước. Đây là vấn đề mà hiện nay một số phụ huynh có ý kiến.
"Hiện nay Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên các địa phương tuy có cơ sở vật chất, phòng học nhưng đội ngũ giáo viên dạy văn hoá được giao biên chế còn hạn chế, kinh phí chi thường xuyên chưa đảm bảo.
Nhiều em 'trượt cấp 3" cũng không có cơ hội vào học lớp 10 tại các trung tâm này để tiếp tục học lên cao hơn", ông Khoa nói.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa - cho biết đơn vị đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin kinh phí để mở thêm lớp 10 tại các trung tâm của các địa phương.
Trên cơ sở này, các trung tâm sẽ hợp đồng giáo viên THPT trên địa bàn để giảng dạy và chi trả theo tiết, tạo điều kiện cho nhiều học sinh học hết lớp 9 được học chương trình THPT ở gần nhà.
Dựa vào nguồn kinh phí tỉnh cấp (nếu có) mới có thể xác định bao nhiều học sinh trong số gần 3.000 em vừa tốt nghiệp THCS tiếp tục được học lớp 10. "Nếu kinh phí cấp không đủ cho toàn bộ gần 3.000 học sinh thì các em sẽ tiếp tục được xét vào các trung tâm theo nguyên tắc điểm từ trên xuống", ông Khoa nói.
Chiều 9-8, các trường THPT công lập ở TP.HCM đã kết thúc đợt nhận hồ sơ tuyển bổ sung lớp 10 năm học 2023 - 2024.