Đường hiện hữu chỉ áp dụng BOT đối với loại trục chính, đang bị nghẽn giao thông
Cơ chế trong nghị quyết 98 cũng cho phép TP nâng tỉ lệ vốn nhà nước 70% tổng mức đầu tư của dự án trong trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỉ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư.
Đây là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo phương án tài chính và có thể rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn. Cần phải nói thêm rằng đầu tư theo hình thức BOT trên đường trục chính, đường trên cao trong nghị quyết 98 chỉ một phương thức nằm trong hệ sinh thái nguồn vốn mà TP.HCM hiện đang triển khai đồng loạt để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hoàn thiện hệ thống giao thông.
Chẳng hạn, hiện nay TP.HCM đang xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư bằng hình thức BT trả bằng tiền (trả chậm 5-10 năm), điển hình là dự án cầu đường Nguyễn Khoái. Bên cạnh việc huy động nguồn lực khu vực tư nhân từ cơ chế mới, TP.HCM hiện nay đang dùng vốn công triển khai dự án lớn khác như vành đai 3 TP.HCM, quốc lộ 50, nút giao An Phú, chuẩn bị khép kín đường vành đai 2…
Còn với các dự án BOT trên tuyến đường mới áp dụng theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), TP cũng đang triển khai đường vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, các dự án công trình đường bộ hiện hữu chỉ áp dụng hợp đồng BOT đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao phù hợp theo quy hoạch được duyệt và phải đáp ứng được một số tiêu chí nhất định.
Cụ thể là những tuyến đường trục chính (kết nối liên vùng, là đầu mối giao thông quan trọng) nhưng đã xuống cấp, ách tắc giao thông. Đồng thời, các tuyến đường này phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và có tính khả thi cao về khả năng thu hồi vốn cho chủ đầu tư...
Với thời gian của nghị quyết chỉ 5 năm, nên việc chọn được các dự án cấp bách nhất, người dân mong muốn nâng cấp, mở rộng nhiều nhất và tính khả thi cao nhất là yếu tố rất quan trọng. Trên cơ sở các dự án cấp bách, ưu tiên, Sở Giao thông vận tải TP đã rà soát 5 dự án với mức đầu tư dự kiến hơn 37.000 tỉ đồng để tham vấn ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, người dân...