Sinh vật mới được phát hiện khi nhóm nghiên cứu thả lưới ở Nam Đại Dương để tìm kiếm một nhóm động vật biển “khó hiểu” được gọi là Promachocrinus, hay còn gọi sao lông vũ Nam Cực.
Đây là loài động vật “lớn” có thể sống ở bất cứ đâu từ độ sâu khoảng 20m đến khoảng 2km dưới nước và có “dáng vẻ khác lạ” khi bơi.
Mặc dù đều là động vật biển không xương sống, sao lông vũ khác biệt với sao biển, vốn nổi tiếng hơn.
Trong quá trình khảo sát, các nhà nghiên cứu đã thu thập 8 con sao lông vũ có hình dạng cơ thể đặc biệt. Nhờ đó họ phát hiện một loài mới: Promachocrinus fragarius, hay còn gọi "sao lông vũ dâu tây Nam Cực", theo trang tin Miami Herald.
Bức ảnh cận cảnh ở trên cho thấy phần thân dưới của sao lông vũ dâu tây Nam Cực. Nó có hình dạng gần như hình tam giác, rộng hơn ở phía trên và thuôn nhọn, phía thân dưới lại tròn.
Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Invertebrate Systematics, cho biết sao lông vũ dâu tây Nam Cực có 20 cánh tay phân nhánh từ trung tâm cơ thể “giống như quả dâu tây”. Nó có thể có nhiều màu từ tím đến đỏ sẫm.
Nó có 2 phần phụ. Các cánh tay ngắn hơn, thấp hơn của nó trông gần như có sọc và gồ ghề, trong khi các cánh tay dài hơn, phía trên của nó gần như có lông và mềm mại.
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu không thông tin các phép đo kích thước tổng thể của con vật.
Dựa trên hình dạng cơ thể và phân tích DNA, họ khẳng định đây là loài hoàn toàn mới.
Họ đặt tên cho nó theo tiếng Latin có nghĩa là “dâu tây” (strawberry) vì hình dạng cơ thể giống quả dâu tây. Chúng được tìm thấy trên khắp Nam Đại Dương, từ độ sâu từ khoảng 65m đến khoảng 1,2km.
Ngoài Promachocrinus fragarius, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận thêm 3 loài sao lông vũ Nam Cực mới.
Một liên minh toàn cầu gồm các nhà khoa học và nhà thám hiểm bắt đầu chạy đua với thời gian để tìm ra ít nhất 100.000 loài sinh vật biển mới trong thập kỷ tới.