Ngày 10-8, nhiều người lao động từng làm việc ở Công ty cổ phần Licogi vẫn tiếp tục đi đòi khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp... mà Licogi Quảng Ngãi mãi chưa chi trả.
Ông Nguyễn Cao Tính (thôn Thế Long, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cho biết đã làm việc ở nhà máy gạch Phong Niên (thuộc Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi) từ năm 1994. Đến tháng 10-2020, phía Licogi Quảng Ngãi đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ông Tính thất nghiệp về nhà phụ vợ bán bún mưu sinh.
Dù đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng Licogi Quảng Ngãi không chi 97 triệu đồng nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm thất nghiệp.
"Người lao động không còn làm việc nhiều lần kéo đến công ty đòi nợ. Lãnh đạo công ty than làm ăn khó, không chịu chi trả tiền hợp pháp cho chúng tôi. Công ty khó một thì người lao động mất việc khó mười. Mấy năm ròng rã đi đòi quyền lợi nhưng chẳng được", ông Tính nói.
Ngày 9-8, hàng chục người lao động kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi treo băng rôn, yêu cầu công ty này chi trả số tiền nợ người lao động từ năm 2019 đến nay.
Đây cũng là lần thứ 2, những người lao động căng băng rôn trước công ty để đòi quyền lợi.
Để đòi nợ, một danh sách gồm 44 người lao động không còn làm việc ở Licogi Quảng Ngãi được lập ra. Người thấp nhất bị nợ 1 triệu đồng, người nhiều lên đến 180 triệu đồng. Trong danh sách này, đều là lao động phổ thông, làm việc hàng chục năm tại Công ty Licogi Quảng Ngãi.
Mất việc, cuộc sống của gia đình những công nhân này rơi vào khó khăn. Ông Huỳnh Hân (xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi) bị Công ty Licogi cho nghỉ việc vào năm 2020. Tính đến khi nghỉ việc, ông đã làm việc tại đây 24 năm.
"Tôi đi đòi tiền lương, trợ cấp thôi việc, tổng 30 triệu đồng. Mất việc, tôi phải trở về làm nông, rất khó khăn khi phải nuôi con nhỏ cùng mẹ già 86 tuổi. Công ty cứ than khó để không chi trả, vậy họ có biết thời gian qua gia đình tôi khốn khổ thế nào không", ông Hân nói.
Quá khổ, mới kéo băng rôn đi đòi nợ lương
Trước khi kéo băng rôn đòi quyền lợi, ngày 17-7, những lao động này đã gửi đơn lên công ty, yêu cầu xác nhận nợ lương và các chế độ khác. Nhưng phía Licogi Quảng Ngãi không hồi đáp, buộc lòng người lao động phải kéo đến công ty đòi.
Yêu cầu của người lao động là trong tháng 9, Licogi phải xác nhận những khoản nợ cho từng người. Đây là cơ sở để khởi kiện ra tòa, người lao động không muốn kéo băng rôn đòi quyền lợi, bởi điều đó sẽ gây mất an ninh trật tự.
Nhiều năm ròng đòi nợ, trong biên bản làm việc mới nhất có đại diện người lao động bị nợ, Công ty Licogi Quảng Ngãi, Liên đoàn Lao động tỉnh, An ninh kinh tế tỉnh Quảng Ngãi, ông Phùng Hải Phong - giám đốc Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi - cho rằng công ty đang gặp khó khăn dẫn đến nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nợ ngân hàng, nợ thuế.
Công ty cũng cố gắng hoàn thiện hồ sơ các công trình để thu hồi nợ về giải quyết bớt nợ, nhưng thủ tục hồ sơ bị vướng nên không thực hiện được việc trả nợ như đã hứa với người lao động. Công ty đồng ý bắt đầu từ 14-8 sẽ liên hệ với từng người lao động đến đối chiếu và xác nhận các khoản nợ. Đến tháng 9 sẽ xác nhận xong nợ lương và các công nợ có căn cứ rõ ràng.
TTO - Văn phòng UBND TP Hà Nội ngày 8-7 đã ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông về vụ Công ty Minh Quân nợ lương người lao động.