vĐồng tin tức tài chính 365

Lãi suất liên tục giảm, tiền gửi vào ngân hàng biến động ra sao?

2023-08-11 07:08

Dù vậy, số dư tiền gửi của khách hàng tại hầu hết các ngân hàng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương sau nửa đầu năm. Liệu mức tăng trưởng này có thể duy trì trong thời gian tới hay dòng tiền sẽ dịch chuyển sang các kênh đầu tư có tín hiệu ấm dần lên giữa bối cảnh lãi suất ngân hàng tiếp diễn xu hướng giảm?

Dòng tiền tìm về ngân hàng

Tổng hợp báo cáo tài chính quý II/2023 cho thấy, nhiều ngân hàng đã tăng trưởng mạnh mẽ tiền gửi khách hàng ở mức hai con số. Đáng chú ý trong đó là Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) với mức tăng lên tới gần 43,5% so với đầu năm, đưa số dư tiền gửi lên hơn 309.600 tỷ đồng. Đây cũng là mức tăng trưởng tiền gửi cao nhất toàn ngành trong 6 tháng qua. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của HDBank tại ngày 30/6/2023 chỉ hơn 9%.

Lý giải về những con số này, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cho biết việc tăng trưởng huy động, đặc biệt là huy động thị trường 1 (huy động từ dân cư và tổ chức) nằm trong chiến lược tăng trưởng vốn và tổng tài sản của HDBank, đặc biệt là trong chiến lược tuân thủ chuẩn mực quốc tế về Basel III và cân đối tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR).

"HDBank đã tận dụng cơ hội của thị trường khi lãi suất giảm sâu để tăng trưởng mạnh với mức lãi suất hợp lý. Sự hợp lý thể hiện ở biên lợi nhuận (NIM) được duy trì ở mức 5% và vẫn đảm bảo hiệu quả trong hoạt động kinh doanh", ông Thanh nói.

Đặc biệt, vị Tổng Giám đốc nhấn mạnh việc huy động nguồn vốn và hạ chi phí cũng để chuẩn bị cho việc tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là trong chu kỳ kinh doanh sôi động hơn vào 6 tháng cuối năm. Bởi huy động trong quý IV hàng năm thường đi kèm chi phí cao, HDBank đã có chiến lược khác biệt để chuẩn bị cho nguồn vốn vào cuối năm.

Một số ngân hàng cũng có mức tăng trưởng cao so với đầu năm như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 27,86%; Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) gần 20%; Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) hơn 17%; Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) tăng 16,3%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng 13,26%...

Chỉ có 2 ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm về tiền gửi là Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) với các mức giảm lần lượt 1,4% và 0,1% so với đầu năm.

Trong khi đó, nếu xét về số dư tuyệt đối, nhóm "Big 4" gồm 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn vẫn đứng top đầu về tiền gửi khách hàng sau 2 quý đầu năm, bỏ xa các ngân hàng còn lại dù lãi suất huy động của nhóm này luôn thấp nhất hệ thống.

Lãi suất liên tục giảm, tiền gửi vào ngân hàng biến động ra sao? - Ảnh 1.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước đã có thêm hơn 482.000 tỷ đồng tiền gửi của dân cư đi vào hệ thống ngân hàng trong 5 tháng đầu năm

Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ghi nhận số dư tiền gửi tại thời điểm kết thúc quý II/2023 đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với hồi đầu năm. Kế sau là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với hơn 1,5 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng gần 4,9%.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP  Công Thương Việt Nam (VietinBank) ghi nhận số dư tiền gửi ở mức trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng lần lượt 6,71% và 4,87% so với hồi đầu năm.

Các vị trí tiếp theo là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với số dư tiền gửi hơn 500.000 tỷ đồng, tăng 10,3%; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với hơn 475.000 tỷ đồng, tăng gần 7,2%; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với 432.000 tỷ đồng, tăng 4,2%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với 409.000 tỷ đồng, tăng 13,26%...

Còn theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước đã có thêm hơn 482.000 tỷ đồng tiền gửi của dân cư đi vào hệ thống ngân hàng trong 5 tháng đầu năm, đưa số dư tiền gửi của dân cư lên gần 6,35 triệu tỷ đồng, tăng 8,21% so với cuối năm 2022.

Những số liệu trên phần nào phản ánh xu hướng lựa chọn của người dân trong những tháng đầu năm, vẫn ưu tiên gửi tiết kiệm ngân hàng. Bởi lẽ, dù lãi suất giảm, đây vẫn là kênh đầu tư được đánh giá là an toàn nhất trong bối cảnh thị trường bất động sản, chứng khoán trầm lắng, trái phiếu doanh nghiệp vướng nhiều vi phạm...

Mặt khác, dòng tiền tìm về với ngân hàng còn nhằm mục đích bảo toàn nguồn vốn, nằm chờ cơ hội kinh doanh khi hoạt động sản xuất, đầu tư của các doanh nghiệp giai đoạn vừa qua còn nhiều khó khăn, không dễ gì mở rộng quy mô.

Xu hướng dịch chuyển sắp diễn ra?

Dù lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn gia tăng, nhưng tốc độ tăng này lại có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây. Cụ thể, nếu hồi tháng 1/2023, tiền gửi cư dân ghi nhận mức tăng hơn 177.000 tỷ đồng so với tháng liền trước đó thì đến tháng 4/2023, mức tăng chỉ còn 52.028 tỷ đồng so với tháng 3. Xu hướng thu hẹp mức tăng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn, nhất là sau 4 lần liên tiếp Ngân hàng Nhà nước giảm nhiều loại lãi suất điều hành kéo mặt bằng lãi suất huy động đi xuống.

So với những tháng đầu năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm sâu, bình quân giảm khoảng 1-1,6 điểm %. Lãi suất cao nhất áp dụng cho các kỳ hạn dài phổ biến chỉ còn từ 7-7,5%/năm; thậm chí tại "Big 4", lãi suất cao nhất chỉ còn 6,3%/năm.

Mới đây nhất, một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động với bước giảm từ 0,3-0,5%/năm đối với nhiều kỳ hạn như tại SHB, VietABank, HDBank, ACB...

Trong đó, SHB áp dụng lãi suất huy động trực tuyến chỉ còn 6,7%/năm cho kỳ hạn từ 6 – 8 tháng; 6,8%/năm cho kỳ hạn 9 – 11 tháng và 6,9%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tại VietABank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 – 11 tháng còn 7%/năm; kỳ hạn 12 – 18 tháng còn 7,3%/năm...

Còn tại HDBank, lãi suất cao nhất áp dụng trong tháng 8 chỉ còn 9,1%/năm thay vì mức 9,3%/năm như trước đó đối với khách hàng gửi từ 300 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng; dưới 300 tỷ đồng, áp dụng lãi suất 7,35%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, HDBank cũng áp dụng lần lượt lãi suất 8,6%/năm cho các khoản gửi từ 300 tỷ đồng trở lên và 7%/năm nếu số tiền gửi dưới 300 tỷ đồng...

Tổng Giám đốc HDBank cho biết từ giờ đến cuối năm, ngân hàng này có kế hoạch giảm chi phí vốn bình quân xuống dưới 6%.

Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành đang tạo lập xu hướng giảm lãi suất trên thị trường trong thời gian tới, giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện và quyết liệt hơn trong giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Thông thường, việc lãi suất tiết kiệm hạ sâu sẽ khiến kênh đầu tư này kém hấp dẫn khiến dòng tiền dịch chuyển sang kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản, trái phiếu...

Theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, đến cuối năm 2023, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 6-6,2%/năm và sẽ xuống thấp hơn nữa vào năm 2024. Từ đó VNDirect cho rằng, xu hướng dịch chuyển dòng tiền của các nhà đầu tư sẽ trở nên rõ nét hơn trong những tháng cuối năm nay để tìm đến các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn.

Lãi suất liên tục giảm, tiền gửi vào ngân hàng biến động ra sao? - Ảnh 2.

VNDirect cho rằng, xu hướng dịch chuyển dòng tiền của các nhà đầu tư sẽ trở nên rõ nét hơn trong những tháng cuối năm nay để tìm đến các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn

Nhưng theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, sự hồi phục của thị trường bất động sản còn chậm, nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ, nhu cầu vay mua nhà giảm...; sớm nhất phải sang đến đầu năm 2024, thị trường bất động sản mới phục hồi.

Mặt khác, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng trải nghiệm, tăng sự hài lòng của khách hàng cùng nhiều chương trình tặng quà, cộng lãi suất khi gửi tiền online... kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng giữ chân khách gửi tiền.

Đơn cử như HDBank, tất cả khách hàng gửi tiết kiệm từ 10 triệu đồng tại quầy hoặc trên ứng dụng ngân hàng/Internet Banking với kỳ hạn tối thiểu 1 tháng đều có cơ hội nhận quà tặng từ chương trình ưu đãi "Gửi tiền liền tay - Nhận ngay quà hay". Trong đó, giải thưởng hấp dẫn nhất chương trình là 10 sổ tiết kiệm với tổng giá trị 850 triệu đồng và gần 9.000 quà tặng gia dụng cao cấp.

Hay tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), khách hàng gửi tiết kiệm từ nay đến 31/10, sẽ được tích điểm đổi quà tặng và có cơ hội trúng thưởng chuyến du lịch Hàn Quốc trị giá 30 triệu đồng...

Còn Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) lại triển khai chương trình tặng thêm lãi suất tới 1% khi gửi tiết kiệm online trên ứng dụng AB Ditizen...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Độ nhận định: xu hướng chung trong thời gian tới là lãi suất sẽ giảm, có thể sẽ có thêm đợt giảm lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước. Nhưng quá trình từ giảm lãi suất điều hành tới giảm lãi suất huy động, cho vay sẽ có độ trễ nhất định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.58725725011803202-oas-ar-gnod-neib-gnah-nagn-oav-iug-neit-maig-cut-neil-taus-ial/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lãi suất liên tục giảm, tiền gửi vào ngân hàng biến động ra sao?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools