vĐồng tin tức tài chính 365

Nhiều sản phẩm làm từ bột gạo bắt đầu tăng giá

2023-08-11 11:57

Chợ tăng giá, siêu thị giữ nguyên

Hiện các loại bún, phở, sợi hủ tíu, bánh tráng, bánh ướt, bánh hỏi, bánh cuốn, ống hút làm từ bột gạo đều tăng giá. Cụ thể, giá bún tươi để làm món bún riêu, bún bò từ 10.000 đồng/kg tăng lên 11.000 đồng/kg, giá bún Thủ Đức từ 11.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg, bánh cuốn từ 19.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg. Giá bún khô tăng thêm 3.000 đồng/kg, lên 33.000 đồng/kg; giá hủ tíu tăng thêm 2.000 đồng/kg, lên 24.000 đồng/kg (sợi nhỏ), 25.000 đồng/kg (sợi lớn). 

So với mức giá trong chợ Hòa Bình, giá ở các điểm bán lẻ bên ngoài nhà lồng chợ này tăng khá cao: giá bún tươi tăng thêm 4.000 đồng/kg, lên 15.000 đồng/kg; giá hủ tíu loại 1 và 2 đều tăng thêm 10.000 đồng/kg, lên 40.000 đồng/kg và 35.000 đồng/kg. Chủ một sạp bên ngoài chợ Hòa Bình giải thích: “Đây là loại hủ tíu đặc biệt, được làm từ gạo ngon. Giá gạo tăng cao nên giá hủ tíu cũng tăng cao”.

Tại chợ Hòa Bình, quận 5, TPHCM, các sản phẩm được làm từ gạo như bún tươi, sợi hủ tíu, bánh phở, bánh hỏi, bánh cuốn… đều tăng giá từ 1.000-2.000 đồng/kg
Tại chợ Hòa Bình, quận 5, TPHCM, các sản phẩm được làm từ gạo như bún tươi, sợi hủ tíu, bánh phở, bánh hỏi, bánh cuốn… đều tăng giá từ 1.000-2.000 đồng/kg

Giá các loại bột gạo dùng để làm bánh cũng tăng. Chị Hoa - tiểu thương chợ Vườn Chuối, quận 3, TPHCM - cho hay, các loại bột gạo đóng gói mang thương hiệu Vĩnh Thuận tăng giá từ 1.000-2.000 đồng/bịch, tùy loại 400g hay 800g. Giá các loại bột gạo tẻ Thái Lan tăng thêm 2.000 đồng/bịch 400g, lên mức 20.000 đồng/bịch, có sạp tăng thêm 4.000 đồng/bịch 400g, tương đương 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn giữ mức giá cũ đối với các loại bún tươi, bánh phở, bún khô.  

Doanh nghiệp vẫn cố kìm giá 

Đại diện ban quản lý chợ Tân Định cho biết, theo báo cáo của tiểu thương, trong ngày 10/8, các loại gạo đều tăng giá từ 1.000-2.000 đồng/kg, riêng bún tươi, phở tươi vẫn chưa tăng giá. Các tiểu thương cho biết trong 1-2 ngày tới, các sản phẩm làm từ gạo sẽ tăng tương ứng với mức tăng giá gạo nguyên liệu. Ban quản lý chợ sẽ kiểm soát việc buôn bán các mặt hàng làm từ gạo, không để xảy ra tình trạng giá sản phẩm tăng cao hơn mức tăng giá gạo. 

Loại gạo mà Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây dùng để sản xuất bún, phở, bánh tráng, ống hút… trước đây có giá 13.000 đồng/kg, nay tăng lên 17.000 đồng, mức tăng tương đương 20%. Dù vậy, công ty vẫn chưa tăng giá sản phẩm bán ra. 

Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này - giải thích, do các sản phẩm của công ty đều nằm trong chương trình bình ổn thị trường, công ty có nguồn gạo dự trữ để sản xuất trong 1-3 tháng nên vẫn ưu tiên việc ổn định giá bán. Nhưng nếu trong vòng 2 tháng tới, giá gạo tiếp tục tăng thì công ty buộc phải tăng giá bán. “Gạo Ấn Độ ảnh hưởng lớn đến thị trường gạo thế giới. Việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo khiến giá gạo thế giới tăng. Khi gạo tăng giá thì nhiều sản phẩm khác cũng tăng giá theo” - bà Lê Thị Giàu giải thích.

Bà Trương Thị Hồng Hà - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại quốc tế Khánh Hà (Khánh Hà Food) - cho biết, công ty cũng bị ảnh hưởng khi giá nguyên liệu sản xuất tăng. Giá loại gạo mà Khanh Hà Food dùng để sản xuất ống hút, bún, phở từ 11.000 đồng/kg nay tăng lên 15.000 đồng/kg và đối tác cung cấp nguyên liệu cho biết sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới. Sức mua trên thị trường khá yếu, đơn hàng xuất khẩu giảm, công ty chỉ cố gắng duy trì sản xuất và kìm giá chứ không có lời. Nếu tới đây, giá gạo tẻ nguyên liệu tăng lên 20.000 đồng/kg thì công ty buộc phải tăng giá bán tương ứng. 

Bà Nguyễn Thị Bính - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Nguyễn Bính - cho hay, cách đây 1 tháng, gạo tẻ dùng để sản xuất bún tươi, phở, hủ tíu, bánh ướt, bánh hỏi… có giá 14.500 đồng/kg, nay đã tăng lên 17.000 đồng/kg. Tính từ đầu năm tới nay, giá gạo tẻ tăng gần 4.000 đồng/kg, còn tính từ giữa năm 2022 đến nay, giá gạo tẻ để sản xuất bún tăng 7.200 đồng/kg. 

Bà thông tin thêm, giá gạo tăng nhưng chất lượng gạo nguyên liệu giảm do bị trộn với gạo từ lúa cỏ (loại gạo chất lượng thấp hơn). Khi bà liên hệ với các nhà máy xay xát lúa gạo thì họ than không mua được lúa và đề nghị bà lấy nguồn gạo dự trữ ra dùng. Bà nói: “Nhờ còn nguồn gạo dự trữ nên hiện giờ, chúng tôi chưa tăng giá sản phẩm. Nhưng tới đầu tháng Chín này, chúng tôi sẽ thông báo tăng giá thêm 3.000 đồng/kg bún vì mỗi ký gạo chỉ sản xuất ra 1,6kg bún chất lượng tốt. Hầu hết cơ sở sản xuất bún khác đã tăng giá từ 3.500-4.000 đồng/kg bún, trong khi mỗi ký gạo họ sản xuất ra được 3,7kg bún, nên họ không bị lỗ”. 

Theo bà Nguyễn Thị Bính, nguồn gạo nguyên liệu để công ty sản xuất đang ngày càng giảm. Nếu không cân đối lại việc trồng trọt, không khuyến khích nông dân sản xuất loại gạo nguyên liệu phục vụ ngành chế biến trong nước, cứ để nông dân tập trung sản xuất loại gạo dẻo xuất khẩu thì trong thời gian tới, sẽ khủng hoảng nguồn nguyên liệu sản xuất. Khi đó, sản phẩm đầu ra sẽ tăng giá mạnh và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt. 

Ngày 8/8, Sở Công Thương TPHCM đã ra công văn số 4641 yêu cầu các cơ quan, ban, ngành và doanh nghiệp có liên quan thực hiện nghiêm chương trình bình ổn thị trường đối với mặt hàng gạo, đảm bảo đủ nguồn cung cho người tiêu dùng trong mọi tình huống. Theo ghi nhận thực tế của sở, những ngày gần đây, giá bản lẻ các mặt hàng gạo trên thị trường có biến động nhẹ do ảnh hưởng từ giá gạo thế giới, riêng sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường thì chưa tăng giá. Tới đây, sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hệ thống đại lý, cửa hàng, mạng lưới phân phối, đảm bảo việc trưng bày, niêm yết giá bán đúng quy định. 

Thanh Hoa

Xem thêm: lmth.9058941a-aig-gnat-uad-tab-oag-tob-ut-mal-mahp-nas-ueihn/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Nhiều sản phẩm làm từ bột gạo bắt đầu tăng giá ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools